Mã HS code là gì | Cách tra cứu và 06 quy tắc xác định HS code | 06 sai lầm cần né tránh

Hướng dẫn toàn diện mã HS code là gì, cách tra cứu và 06 quy tắc xác định mã HS code, 06 sai lầm cần né tránh khi xác định mã HS

Cách sử dụng 06 quy tắc để tra cứu đúng mã HS code là một nghiệp vụ cực kỳ quan trọng và rất khó trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và làm thủ tục hải quan. Trong bài viết này, ExtendMax sẽ hướng dẫn bạn mã HS code là gì, cách sử dụng các công cụ và tra cứu mã HS cho đúng. Đồng thời chúng tôi cũng đưa ra những ví dụ thực tế phong phú để giúp bạn hiểu rõ hơn cách sử dụng mã HS code để áp dụng chính sách kiểm tra chuyên ngành, dự toán thuế xuất nhập khẩu, cách ứng xử với các cơ quan quản lý nhà nước trong các trường hợp phức tạp.

Hướng dẫn toàn diện mã HS code là gì, cách tra cứu và 06 quy tắc xác định mã HS code, 06 sai lầm cần né tránh khi xác định mã HS

 

Mã HS Code là gì?

HS Code là mã số phân loại hàng hóa quốc tế, được phát triển và quản lý bởi Tổ chức Hải quan Thế giới (World Customs Organization - WCO). Hệ thống mã số HS code được ra đời với mục đích tiêu chuẩn hóa ở phạm vi quốc tế về tên gọi và phân loại hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch ngoại thương và thống kê thương mại.

Trong tiếng anh hệ thống mã HS được gọi là Harmonized System Code, được dịch ra tiếng Việt là hệ thống mã số hài hòa hoặc hệ thống hài hòa. Hệ thống này được thừa nhận và sử dụng trong toàn bộ các quốc gia tham gia WCO, nhằm đảm bảo “hài hòa” quyền lợi giữa các thương nhân và các quốc gia thành viên tham gia giao thương.

Mã HS Code giúp phân loại hàng hóa một cách chi tiết, đồng thời là cơ sở để áp dụng thuế suất, chính sách quản lý xuất nhập khẩu, và giải quyết các tranh chấp thương mại.

 

Cấu trúc của mã HS Code

Mã HS Code là hệ thống mã số được cấu thành từ chuỗi các chữ số liên tiếp, mang tính chất pháp lý và quốc tế trong việc phân loại hàng hóa. Theo quy định hiện hành tại Việt Nam, mã HS được áp dụng với độ dài tiêu chuẩn là 8 chữ số, trong khi tại một số quốc gia khác, mã này có thể có 10 chữ số (Hoa Kỳ), tùy thuộc vào yêu cầu quản lý của từng nước. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hài hòa và đồng bộ trong thương mại quốc tế, các quốc gia thành viên phải tuân thủ việc sử dụng tối thiểu 6 chữ số đầu tiên theo các quy tắc do Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) quy định.

Cấu trúc mã HS code

Phần

Hệ thống Mã HS Code bao gồm tổng cộng 21 hoặc 22 phần và các phụ lục, tùy theo danh mục hàng hóa của từng quốc gia. Căn cứ theo Thông tư 31/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính, hệ thống mã HS của Việt Nam bao gồm 21 phần (section). Mỗi phần đều được kèm theo chú giải phần, đóng vai trò làm rõ nội dung và phạm vi áp dụng của phần đó.

“Phần” không được thể hiện trong mã số HS của hàng hóa, tuy nhiên ExtendMax vẫn cung cấp thông tin sơ lược về nội dung này để bạn dễ hiểu hơn.

Chương (2 chữ số đầu tiên của mã HS)

  • Chương mô tả tổng quan về loại hàng hóa và được đánh số từ 01 đến 97.

  • Chương 98 và 99 thường dành riêng cho các quy định đặc thù của từng quốc gia. Căn cứ theo Thông tư 31/2022/TT-BTC, hệ thống mã số phân loại hàng hóa của Việt Nam không có chương 98 và 99

  • Tương tự phần, mỗi chương cũng có chú giải chương để cụ thể hóa cách áp dụng.

Phân chương (hoặc nhóm) (mã HS 4 số)

  • Các sản phẩm trong mỗi chương được chia thành nhóm dựa trên những đặc điểm chung nhất định, giúp dễ dàng phân loại.

Phân nhóm (mã HS 6 số)

  • Các nhóm lớn tiếp tục được chia nhỏ thành các phân nhóm, đảm bảo tính chính xác hơn trong việc mô tả các thuộc tính riêng biệt của sản phẩm.

Phân nhóm phụ (mã HS 8 số)

Phân nhóm phụ (mã HS cấp 8 số) được xác định theo quy định ở cấp quốc gia. Mỗi quốc gia có quy định riêng ở cấp mã HS 8 số. Mã số HS ở cấp 8 số đóng vai trò xác định thuế suất 

Phân nhóm phụ mở rộng (mã HS 10 số - nếu có)

Đây là phần mở rộng để phân loại rộng hơn và mang tính tùy biến theo quy định riêng của từng quốc gia. Phân nhóm phụ mở rộng thường phản ánh mức độ chi tiết hơn của sản phẩm, phục vụ cho mục đích quản lý trong nước.

VD: Mã HS 8 số của điều hòa không khí, loại 2 chiều, có công suất không quá 21,10 kW là 84158197. Mã này có thể mở rộng thêm 2 số nữa để phân loại chi tiết hơn đối với loại máy lạnh inverter 84158197xx và máy lạnh không có inverter 84158197yy.

 

Công dụng của mã HS Code

Hệ thống mã HS code không chỉ là một hệ thống phân loại hàng hóa mà còn đóng vai trò quan trọng thương mại quốc tế, trong quản lý xuất nhập khẩu sản phẩm. Mã HS code có các công dụng như sau:

Làm cơ sở thực thi các hiệp định thương mại tự do FTA

HS Code đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các cam kết thương mại quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do (FTA - Free Trade Agreements). Đây là công cụ giúp xác định tính hợp lệ của hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan theo các điều khoản của FTA. Trong đó mã HS code là một yếu tố then chốt để xác định xuất xứ hàng hóa đối với các loại hàng hóa đạt tiêu chí “chuyển đổi mã HS”.

Tương tự, mã HS code cũng là cơ sở để thực thi quy chế tối huệ quốc MFN.

Xác định thuế suất xuất nhập khẩu, thuế GTGT

Mã HS là cơ sở để tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (GTGT), và các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ví dụ: Máy tính chủ (server) thuộc mã HS 84714990 có thuế suất nhập khẩu 0% (thuế ưu đãi tối huệ quốc) và thuế GTGT 10%. Doanh nghiệp có thể dễ dàng xác định được tổng chi phí thuế phải nộp theo công thức:

Số thuế phải nộp = (GTHQ + GTHQ * 5% TNK MFN) * 10% VAT

Trong đó:

  • GTHQ: Giá trị hải quan của hàng hóa.
  • TNK MFN: Thuế suất nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc
  • VAT: Thuế giá trị gia tăng

Áp dụng các chính sách phi thuế quan

  • Hạn ngạch nhập khẩu (Quota): Một số mặt hàng như thuốc lá nguyên liệu, muối, trứng gia cầm, đường tinh luyện, đường thô… có giới hạn số lượng nhập khẩu hàng năm.

  • Giấy phép nhập khẩu: Một số sản phẩm yêu cầu giấy phép từ các cơ quan chức năng trước khi nhập khẩu (ví dụ Giấy phép nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự của Ban Cơ Yếu Chính phủ - Bộ Quốc phòng).

  • Kiểm tra chất lượng, kiểm tra chuyên ngành: Nhiều mặt hàng như thiết bị thu phát sóng CNTT, thiết bị điện tử gia dụng, vật liệu xây dựng… cần trải qua các bước kiểm tra chất lượng nhà nước, kiểm tra hiệu suất năng lượng.

Cơ sở pháp lý giải trình và phản biện

Trong trường hợp xảy ra bất đồng giữa doanh nghiệp và các cơ quan hải quan hoặc cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành, mã HS và các quy định về mã HS là cơ sở pháp lý để giải trình hoặc phản biện. Việc xác định đúng mã HS giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi và tránh bị phạt oan. Dưới đây là 1 ví dụ cụ thể.

Ví dụ cụ thể: Bộ phận của máy in “Print Server” model N8372 là phụ kiện chỉ sử dụng cho máy in và chỉ có thể hoạt động với máy in. Mặc dù nó có tính năng thu phát sóng WiFi, nhưng nó không có chức năng giống như bộ phát WiFi Access Point, không dùng để phát WiFi cho các thiết bị khác truy cập mạng internet. Trong trường hợp này mã HS đúng của sản phẩm sẽ thuộc chương 84, không phải chương 85. Nếu doanh nghiệp bị áp mã thuộc chương 85 thì có thể xin giấy chứng nhận xuất xứ của nước xuất khẩu (có mã HS của nước xuất khẩu) để làm căn cứ phản biện. Việc chuyển mã HS từ chương này sang chương khác là chưa phù hợp với các quy định của Tổ chức Hải quan Thế giới mà Việt Nam là một nước thành viên.

Ví dụ về mã HS của Lexmark Print Server model N8372
Ví dụ về mã HS của Lexmark Print Server model N8372

 

06 quy tắc phân loại mã HS Code

Căn cứ theo General Rules for the Interpretation of the Harmonized System (GRI) của Tổ chức Hải quan Thế giới WCO, hàng hóa được phân loại theo 6 quy tắc. Việt Nam cũng thừa nhận toàn bộ 6 quy tắc này và quy định chi tiết trong Thông tư số 31/2022/TT-BTC.

Quy tắc 1: Chú giải chương và định danh sản phẩm. 

Tên các phần, chương và phân chương (nhóm) chỉ dùng để xác định sản phẩm nằm ở phần nào chương nào, không có giá trị pháp lý trong việc phân loại hàng hóa. Tên gọi trong các phần, chương không thể miêu tả chi tiết hết các sản phẩm nằm trong chương đó. Do đó, để phân loại sản phẩm hàng hóa, chúng ta cần dựa trên chú giải và phân nhóm sản phẩm.

Chú giải của từng chương là yếu tố quan trọng nhất trong việc phân loại hàng trong chương đó. Điều này sẽ được áp dụng trong tất cả các quy tắc tiếp theo. Chúng ta phải kiểm tra chú giải của từng phần, từng chương để đảm bảo sản phẩm hàng hóa được phân loại chính xác.

Ví dụ: Tìm mã HS của Điện thoại iPhone

  • Bước 1: Căn cứ theo tên của sản phẩm, ta định hình phạm vi có thể áp vào chương 85: Máy móc, thiết bị điện tử và các bộ phận của chúng

  • Bước 2: Đọc chú giải chương, chú giải nhóm. Chú giải số 5 của chương 85 cho phép xác định mã HS của điện thoại thông minh thuộc nhóm 8517

  • Bước 3: Tra mã theo tên định danh hoặc được giải thích cụ thể rõ ràng nhất trong phân nhóm. Điện thoại iPhone là điện thoại thông minh nên mã HS của điện thoại iPhone là 85171300.

Quy tắc 2: Sản phẩm chưa hoàn thiện và hợp chất cùng nhóm

Quy tắc 2a: Sản phẩm chưa hoàn thiện

Những mặt hàng ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện nhưng đã có những đặc trưng cơ bản của sản phẩm hoàn thiện, thì sẽ được xếp vào cùng nhóm với mã HS của sản phẩm hoàn thiện.

Nội dung của Quy tắc 2a này cũng áp dụng đối với những sản phẩm thuộc dạng tháo rời hoặc sản phẩm thuộc dạng phôi (ngoại trừ phôi đã được xác định định danh tại một nhóm hàng cụ thể)

Ví dụ 1: Một chiếc quạt điện thiếu cánh và lồng bảo vệ cánh thì vẫn sẽ được áp dụng mã HS của quạt điện. Cánh quạt và lồng quạt có thể được tháo rời và hoặc được lắp ráp vào sau.

Ví dụ 2: Trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu bộ linh kiện đèn LED được tháo rời ( bao gồm vỏ bóng, chip LED, LED driver, đui đèn, bộ phận tản nhiệt), mã HS áp dụng cho bộ linh kiện này sẽ là mã HS của đèn LED do bộ linh kiện này có thể được lắp ráp lại thành 1 đèn LED hoàn chỉnh.

Ví dụ 3: “Máy tính nhúng” Raspberry Pi mặc dù không bao gồm vỏ máy và bộ nguồn nhưng đã có thể thực hiện các chức năng cơ bản của một máy xử lý dữ liệu tự động. Trong trường hợp này có thể coi máy tính Raspberry Pi là một dạng phôi của máy xử lý dữ liệu tự động. Mã HS áp dụng cho sản phẩm sẽ là mã HS 84714990.

Quy tắc 2b: Hỗn hợp, hợp chất của các nguyên liệu hoặc các chất

Sản phẩm chỉ được phân loại theo quy tắc này nếu nó là một hỗn hợp của từ 02 nguyên liệu hoặc chất liệu trở lên.

Nếu một hỗn hợp hoặc hợp chất của các nguyên liệu hoặc chất trong cùng một nhóm, thì hàng hóa này sẽ được phân loại trong nhóm đó.

Nếu một hỗn hợp hoặc hợp chất của các nguyên liệu hoặc chất trong các nhóm khác nhau, thì hàng hóa sẽ được áp mã HS code dựa trên chất cơ bản nhất của hỗn hợp.

Ví dụ 1: Dây điện đơn dạng cuộn chất liệu chính là lõi đồng, lớp phủ ngoài bằng chất liệu nhựa tổng hợp PVC, chưa gắn đầu nối. Mã HS code của dây điện dạng này sẽ được phân loại theo chất liệu cơ bản nhất là “đồng”, thuộc phân nhóm 854411.

Ví dụ 2: Sữa Nutriboost là một hỗn hợp của các chất như sữa, đường, nước ép trái cây, chất điều chỉnh độ acid và các thành phần hương liệu, bảo quản. Tuy nhiên, chất cơ bản nhất của hỗn hợp vẫn là sữa. Do vậy để phân loại hỗn hợp này, chúng ta sẽ áp dụng mã HS của sữa.

Quy tắc 3: Hàng hóa thoạt nhìn thuộc nhiều nhóm

Khi áp dụng theo Quy tắc 2b hoặc bởi bất kỳ lý do nào đó hàng hóa thoạt nhìn vẫn thuộc 2 hoặc nhiều nhóm, chúng ta sẽ áp dụng Quy tắc 3.

Quy tắc 3a: Nhóm hàng hóa có mô tả chi tiết nhất sẽ được ưu tiên hơn các nhóm có mô tả tổng quát khi phân loại sản phẩm.

Ví dụ 1: Hỗn hợp nấu bia bao gồm 55% lúa mì (mã HS nhóm 1001), 35% lúa đại mạch (mã HS nhóm 1003), và 10% hoa bia và phụ gia. Sản phẩm bia này sẽ được phân loại với mã HS code nhóm 1001.

Ví dụ 2: Một chiếc thắt lưng được làm từ da ở mặt trên, nhựa ở mặt dưới, và có một khóa cài bằng kim loại. Do da là chất liệu chính, làm cho thắt lưng bền chắc hơn, đồng thời có giá trị cao hơn nhựa, nên sản phẩm này có thể được phân loại với mã HS code nhóm 4203 (hàng may mặc và phụ kiện quần áo bằng da).

Quy tắc 3b: Trong trường hợp không thể phân loại hàng hóa hỗn hợp theo quy tắc 3a, ta có thể phân loại chúng theo nguyên liệu hoặc bộ phận cấu thành.

Ví dụ: Trong bộ sản phẩm chăm sóc tóc bao gồm: Kẹp điện uốn tóc, lô uốn, ghim tóc. Ta nhận thấy kẹp điện uốn tóc có tính năng đặc biệt nhất và giá trị cao nhất nên sẽ áp dụng mã HS của sản phẩm này cho cả bộ sản phẩm.

Quy tắc 3c: Nếu Quy tắc 3(a) hoặc 3(b) không thể áp dụng, thì Quy tắc 3(c) sẽ được sử dụng để phân loại hàng hóa. Theo quy tắc 3(c), hàng hóa sẽ được phân loại vào nhóm cuối cùng trong danh sách các nhóm được xem xét để phân loại.

Ví dụ: Giả sử ta có một bộ dụng cụ sửa chữa gồm Tô vít, Kìm và Cờ Lê. Sau khi tra cứu các mã số phân loại HS cho từng sản phẩm, bạn nhận thấy rằng Cờ Lê có mã số HS nằm ở thứ tự sau cùng trong danh sách các mã số HS được xem xét. Vì vậy, để phân loại bộ sản phẩm sửa chữa, ta sẽ áp dụng mã số HS của sản phẩm Cờ Lê cho toàn bộ bộ dụng cụ sửa chữa.

Quy tắc 4: Phân loại mã HS theo hàng hóa giống nhất

Nếu hàng hóa không thể phân loại theo các quy tắc đã nêu trước đó, chúng sẽ được phân loại vào nhóm có hàng hóa giống chúng nhất. Quy tắc này yêu cầu so sánh hàng hóa cần phân loại với các hàng hóa tương tự đã được phân loại trước đó để xác định nhóm phù hợp. Việc xác định sự tương tự dựa trên các yếu tố như mô tả, đặc điểm, tính chất và mục đích sử dụng của hàng hóa. Cuối cùng, hàng hóa sẽ được xếp vào nhóm có hàng hóa giống nhất để áp dụng mã HS code tương ứng.

Quy tắc 5: Hộp đựng, bao bì của sản phẩm

Quy tắc 5a: Hộp, bao, túi và các loại bao bì chứa đựng tương tự

Hộp, bao, túi và các loại bao bì chứa đựng tương tự sẽ được phân loại cùng với sản phẩm hoặc bộ sản phẩm bên trong nếu đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có thiết kế phù hợp hoặc hình dạng đặc biệt để chứa đựng sản phẩm hoặc bộ sản phẩm cụ thể.

  • Có thể sử dụng trong thời gian dài.

  • Đi kèm với sản phẩm khi bán.

Điều này có nghĩa là các loại bao bì không chỉ đơn thuần để vận chuyển mà còn là một phần không thể tách rời của sản phẩm khi được bày bán hoặc sử dụng.

Ví dụ: Túi dùng để đựng đàn guitar thì được áp mã HS code cùng với đàn guitar. 

Quy tắc 5b: Bao bì

  • Quy tắc này áp dụng cho các loại bao bì thường được sử dụng để đóng gói và chứa đựng hàng hóa, bao gồm cả những bao bì được nhập khẩu cùng với sản phẩm, chẳng hạn như túi nilon, hộp carton, và các bao bì tương tự khác.

  • Tuy nhiên, đối với bao bì bằng kim loại có khả năng tái sử dụng nhiều lần, quy tắc này không được áp dụng.

  • Ví dụ: Một bình chứa ga bằng thép, có thể tái sử dụng nhiều lần, sẽ không được phân loại theo mã HS của ga mà phải được phân loại riêng theo mã HS dành cho loại bình chứa này.

Quy tắc 6: Giải thích về cách phân loại và so sánh sao cho đúng

Khi phân loại hàng hóa vào các phân nhóm thuộc một nhóm, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  1. Phân loại phải phù hợp với nội dung của từng phân nhóm.

  2. Đảm bảo tuân thủ các chú giải của phân nhóm.

  3. Đồng thời, phải tuân theo các chú giải liên quan trong chương tương ứng.

Khi so sánh một sản phẩm giữa các nhóm hoặc các phân nhóm khác nhau, cần đảm bảo rằng việc so sánh được thực hiện trên cùng một cấp độ phân loại. Điều này có nghĩa là chỉ so sánh giữa các nhóm với nhóm hoặc giữa các phân nhóm với phân nhóm để đảm bảo tính chính xác trong việc xác định mã HS phù hợp.

 

Tra cứu mã HS code ở đâu

Bạn có thể tra cứu mã HS bằng 1 trong các công cụ sau:

  • Tra cứu mã HS code online: Tra cứu bằng trang web Cơ sở Dữ liệu Thương mại Việt Nam thuộc Bộ Công thương (https://vntr.moit.gov.vn) hoặc trang website của Tổng cục Hải quan (https://www.customs.gov.vn/). Đây là phương pháp chính thống mà thuận tiện nhất. Bạn có thể dùng lệnh Ctrl+F để tìm kiếm mã HS code theo từ khóa.
  • Tra cứu mã HS code bằng Thông tư 31/2022/TT-BTC: Thông tư 31/2022/TT-BTC được ban hành dưới dạng văn bản giấy nên việc tra cứu không được thuận tiện. Tuy nhiên, đây cũng là văn bản chính thống của cơ quan nhà nước ban hành.
  • Tra cứu mã HS code bằng Biểu thuế xuất nhập khẩu: Bạn có thể tìm kiếm trên mạng internet và tải về biểu thuế xuất nhập khẩu mới nhất để tra cứu mã HS. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng: i) Biểu thuế xuất nhập khẩu không phải là văn bản pháp quy được ban hành chính thức; ii) Các quy định về chính sách kiểm tra chuyên ngành trong Biểu thuế Xuất nhập khẩu chỉ dựa vào mã HS, không hoàn toàn chính xác; iii) Có thể có một số sai sót nhỏ, lỗi chính tả... trong biểu thuế xuất nhập khẩu.

 

06 sai lầm cần tránh khi xác định mã HS Code

Dưới đây là 06 sai lầm phổ biến khi xác định mã HS mà các bạn cần nắm rõ để phòng tránh:

Sai lầm #1: Chỉ dựa vào tên sản phẩm hoặc mô tả chung chung

Một số sản phẩm có tên sản phẩm hoặc mô tả tương tự nhau nhưng mã HS khác nhau.

Ví dụ 1: Chìa khóa thông minh của xe ô tô mặc dù có chức năng là chìa khóa vật lý, song chức năng chính của nó là điều khiển từ xa, do vậy mã HS đúng cho smart key là mã HS của thiết bị điều khiển từ xa.

Ví dụ 2: Thiết bị chuyển mạch sử dụng trong hệ thống điện báo khác với thiết bị chuyển mạch trong hệ thống internet và hoàn toàn khác với thiết bị chuyển mạch điện mặc dù tên của chúng đều là thiết bị chuyển mạch (switch).

Thiết bị chuyển mạch điện (công tắc điện)

Thiết bị chuyển mạch điện - công tắc điện (electrical switch)
Thiết bị chuyển mạch internet (Ethernet Switch)

Thiết bị chuyển mạch internet (Ethernet Switch)

Sai lầm #2: Không cập nhật danh mục mã HS mới

Danh mục mã HS thường được cập nhật định kỳ, sử dụng mã cũ có thể dẫn đến sai sót trong khai báo.

Ví dụ mã HS của thiết bị tường lửa trước đây là 85176229, kể từ ngày 01/12/2022 mã HS của thiết bị tường lửa đổi sang là 85176299 (căn cứ theo Thông tư 31/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính)

Sai lầm #3: Áp dụng nguyên bản mã HS của quốc gia khác

Mỗi quốc gia có thể mở rộng mã HS riêng ở cấp độ 8 số hoặc 10 số riêng. Việc áp dụng mã từ một nước khác mà không điều chỉnh có thể gây sai lệch.

Sai lầm #4: Không phân biệt được chức năng chính và phụ của sản phẩm

Ví dụ 1: Một sản phẩm là “máy in” có chức năng fax, mã chính xác sẽ dựa trên chức năng chính (in ấn).

Ví dụ 2: Máy đọc mã vạch cầm tay nhãn hiệu Zebra có chức năng chính là quét mã vạch, chức năng phụ là “đầu cuối thông tin di động mặt đất” (lắp SIM thu phát 4G) và thu phát WiFi để truyền thông tin mã vạch về server. Trong trường hợp này chức năng chính của sản phẩm vẫn là “máy đọc mã vạch” và sử dụng mã HS của máy đọc mã vạch là 84719010

Sai lầm #5: Không phân biệt được mục đích sử dụng sản phẩm

Quay lại ví dụ về thiết bị chuyển mạch. Mục đích sử dụng của switch trong hệ thống điện báo khác với thiết bị chuyển mạch trong hệ thống internet và hoàn toàn khác với thiết bị chuyển mạch điện trong hệ thống điện hạ thế mặc dù tên của chúng đều là thiết bị chuyển mạch (switch).

Sai lầm #6: Tìm kiếm thông tin về mã HS từ các nguồn thiếu uy tín

Việc sử dụng thông tin từ các nguồn thiếu uy tín như những người bạn không có kinh nghiệm, hỏi "vu vơ" qua nhóm facebook hoặc nhóm zalo, hoặc tìm kiếm thông tin trên mạng từ các trang web không được cập nhật thường xuyên có thể sẽ gây rắc rối lớn cho bạn khi xảy ra sai sót.

Để đảm bảo chắc chắn nhất về mã HS, bạn có thể làm công văn xin xác định trước mã HS và gửi Tổng cục Hải quan. Đồng thời, bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia uy tín của ExtendMax về mã HS đối với các sản phẩm điện điện tử.

 

Hậu quả của việc áp sai mã HS Code

Chậm trễ thông quan

Áp dụng sai mã HS khi mở tờ khai có thể dẫn tới việc cán bộ hải quan yêu cầu áp lại mã HS cho đúng. Trong trường hợp này, thời gian thông quan sẽ bị kéo dài, hàng hóa có thể bị “bẻ luồng” để kiểm tra, dẫn đến phát sinh chi phí lưu kho và hàng hóa không được cung cấp ra thị trường đúng thời điểm dự kiến.

Bị xử phạt hành chính

Căn cứ theo Nghị định số 128/2020/NĐ-CP (Sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP), việc khai sai mã HS sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

  • Phạt tiền từ 1.000.000 VNĐ ~ 2.000.000 VNĐ trong trường hợp khai sai mã HS code nhưng không làm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp.
  • Trong trường hợp khai sai mã HS làm thiếu số thuế phải nộp, mức xử phạt có thể lên tới 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc xử lý hình sự trong một số trường hợp vi phạm ở mức “trốn thuế”.

Truy thu thuế nhập khẩu

Trong trường hợp kiểm tra sau thông quan hoặc ngay khi thông quan, nếu việc áp dụng sai mã HS gây thiếu khoản thuế phải nộp, doanh nghiệp sẽ bị truy thu thuế.

 

Kết luận về tầm quan trọng của mã HS

Mã HS Code là yếu tố cốt lõi trong thương mại quốc tế, không chỉ giúp quản lý thuế suất mà còn đảm bảo sự tuân thủ pháp lý. Doanh nghiệp cần tuân theo 6 quy tắc phân loại và tránh 6 sai lầm phổ biến để tối ưu hóa quy trình xuất nhập khẩu, giảm thiểu rủi ro, và tăng hiệu quả kinh doanh. Nếu không chắc chắn, hãy sử dụng các công cụ tra cứu hoặc tìm đến các chuyên gia của ExtendMax để được hỗ trợ.

Trần Thanh Phương
Trần Thanh Phương

Tôi là Trần Thanh Phương, một luật gia chuyên về Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn Thông tin mạng, Luật Hải quan, Luật Quản lý ngoại thương. Tôi là chuyên gia tư vấn được các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Amazon, Cisco, HPE, Arista, Palo Alto, Lenovo... tín nhiệm trong lĩnh vực tư vấn về thủ tục xuất nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin vào Việt Nam.

Khách hàng đánh giá
5.0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Đánh giá và nhận xét

Gửi nhận xét của bạn

      Bình luận
      Gửi bình luận
      Bình luận
        Tin tức mới
        Liên hệ ngay

        CÔNG TY TNHH EXTENDMAX VIỆT NAM

        MSDN: 0106943741

        Email: consultant@extendmax.vn

        Hotline: 0915 836 555 | Hà Nội: 024 6666 3066

        Hotline tư vấn Mật mã Dân sự: 0915 836 555

        DKKD:P903, tầng 9, tháp A, tòa nhà tổ hợp Sky City Tower, 88 Láng Hạ, P. Láng Hạ, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội, Việt Nam

        Head Office: Biệt thự ExtendMax, C01-L18 An Vượng, KĐT Dương Nội, P. Dương Nội, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội, Việt Nam

        Test laboratory: Biệt thự BT02-21, Khu ĐT An Hưng, Tố Hữu, P. La Khê, Q. Hà Đông, Hà Nội