Hướng dẫn quy trình & thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu

Mọi kiến thức và kinh nghiệm về quy trình & thủ tục kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu mà dân xuất nhập khẩu logistics chuyên nghiệp cần phải nắm rõ

EXTENDMAX Kiểm tra chất lượng là một bước quan trọng trong thủ tục nhập khẩu hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành. Việc nắm rõ thủ tục và quy trình kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu sẽ giúp bạn chủ động trong việc tính toán thời gian và chi phí nhập khẩu, tính phương án lãi lỗ và có thể ra quyết định kinh doanh chính xác. Trong bài viết này, ExtendMax sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng thể quy trình kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu, danh mục các loại hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, các căn cứ pháp lý áp dụng mà một chuyên gia trong lĩnh vực hải quan, logistics cần phải biết.

hướng dẫn thủ tục và quy trình kiểm tra chất lượng

 

Kiểm tra chất lượng là gì?

Kiểm tra chất lượng là quá trình đánh giá, đo lường, và kiểm tra các thuộc tính, đặc điểm của một sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ để xác định xem chúng có đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu đã được thiết lập hay không. Mục đích chính của kiểm tra chất lượng là đảm bảo rằng sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ đáp ứng hoặc vượt qua các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn và hiệu suất trước khi được đưa vào sử dụng hoặc bán ra thị trường.

Trong thuật ngữ chuyên ngành logistics, kiểm tra chất lượng là quá trình đánh giá chất lượng của sản phẩm hoặc hàng hóa nhập khẩu, so sánh với yêu cầu của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Kiểm tra chất lượng còn được gọi là kiểm tra chuyên ngành hoặc kiểm tra chất lượng nhà nước.

Khi trao đổi với các khách hàng nước ngoài, bạn có thể nói kiểm tra chất lượng nhà nước trong tiếng Anh là state quality inspection, hoặc kiểm tra chuyên ngành tiếng Anh là specialized quality inspection.

Kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu

Kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu

 

Vì sao cần phải kiểm tra chất lượng?

Kiểm tra chất lượng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết, và tránh các rủi ro về pháp lý cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Trong từng lĩnh vực cụ thể, việc kiểm tra chất lượng có thể mang lại các lợi khác nhau.

Kiểm tra chất lượng lĩnh vực sản xuất

  • Đảm bảo chất lượng sản phẩm: Kiểm tra chất lượng là biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm được đưa ra thị trường đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc. Hoạt động này không chỉ bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm tiềm ẩn rủi ro, không đạt tiêu chuẩn mà còn giảm thiểu trách nhiệm pháp lý cho doanh nghiệp trong trường hợp xảy ra khiếu nại hoặc tranh chấp về chất lượng.
  • Ngăn ngừa thiệt hại tài sản, rủi ro pháp lý: Thông qua quy trình kiểm tra chất lượng, doanh nghiệp có thể phát hiện sớm các sản phẩm không đạt yêu cầu về chất lượng, ngăn chặn nguy cơ phát sinh những sản phẩm không an toàn hoặc có khả năng gây thiệt hại về tài sản cho khách hàng. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì uy tín và giảm thiểu các rủi ro pháp lý do sản phẩm không đạt chuẩn.
  • Tăng cường uy tín của nhà sản xuất: Việc duy trì tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng cao giúp sản phẩm đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt, từ đó nâng cao mức độ tin tưởng của khách hàng đối với thương hiệu. Điều này không chỉ mang lại uy tín cho doanh nghiệp mà còn củng cố mối quan hệ lâu dài với khách hàng, góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.
  • Tiết giảm chi phí sản xuất: Nhờ vào quá trình kiểm tra chất lượng, các sản phẩm không đạt yêu cầu được phát hiện và loại bỏ sớm, giúp giảm thiểu đáng kể các chi phí phát sinh sau này như lưu kho, vận chuyển, đổi trả... Nhờ đó, kiểm tra chất lượng nâng cao hiệu quả sản xuất và tối ưu hóa chi phí cho doanh nghiệp.
  • Cải thiện quy trình sản xuất: Thông qua việc kiểm tra chất lượng, doanh nghiệp có thể có cái nhìn tổng quát hơn về quy trình sản xuất của mình. Nhờ vậy, các vấn đề tiềm ẩn và khiếm khuyết trong quy trình sản xuất được phát hiện và điều chỉnh kịp thời, giúp tối ưu hóa hoạt động sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm một cách bền vững.
Kiểm tra chất lượng trong sản xuất

Kiểm tra chất lượng trong sản xuất

Kiểm tra chất lượng nhà nước trong xuất nhập khẩu

  • Đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và môi trường: Kiểm tra chất lượng nhà nước đảm bảo rằng các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam không chứa các chất độc hại, không gây nguy hiểm cho người tiêu dùng trong sử dụng vận hành và không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đây là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giữ gìn môi trường sống.

  • Bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong nước và người tiêu dùng: Việc kiểm tra chất lượng ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng từ nước ngoài xâm nhập thị trường nội địa, giúp bảo vệ doanh nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nhập khẩu không đạt chuẩn. Đồng thời, việc kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo các sản phẩm được đưa ra thị trường đều đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, độ bền, tính tin cậy...

  • Tuân thủ các cam kết quốc tế: Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và các tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Việc kiểm tra chất lượng nhà nước giúp Việt Nam tuân thủ các quy định quốc tế, duy trì uy tín thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

  • Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu: Kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa xuất khẩu giúp doanh nghiệp đảm bảo rằng sản phẩm của họ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trước khi xuất khẩu. Điều này không chỉ tăng khả năng cạnh tranh mà còn góp phần xây dựng hình ảnh tích cực cho sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

  • Nâng cao chất lượng hàng hóa và phát triển kinh tế bền vững: Kiểm tra chất lượng giúp thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, từ đó tăng cường hiệu quả kinh doanh và góp phần phát triển nền kinh tế bền vững.

 

Các tiêu chí kiểm tra chất lượng

Kiểm tra tính an toàn

Tính an toàn là yếu tố hàng đầu cần được kiểm tra chất lượng nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng và giảm thiểu rủi ro khi sử dụng sản phẩm. Các tiêu chí tổng quát về chất lượng an toàn bao gồm:

  • An toàn điện: Đối với các thiết bị điện, cần đảm bảo sản phẩm có hệ thống bảo vệ chống rò rỉ điện, quá tải, hoặc chập điện để tránh nguy cơ giật điện cho người sử dụng. Quy chuẩn QCVN 4:2009/BKHCN thường được áp dụng đối với các thiết bị điện gia dục có tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người khi sử dụng, vận hành.
  • Chống cháy nổ: Đối với sản phẩm có nguy cơ cháy nổ cao (như thiết bị điện tử, pin, hoặc hóa chất), kiểm tra phải đảm bảo rằng sản phẩm có các tính năng chống cháy nổ, và vật liệu sử dụng có khả năng chịu nhiệt cao. TCVN 7079 là tiêu chuẩn thường được áp dụng đối với các thiết bị phòng nổ sử dụng trong môi trường hầm lò, dàn khoan, nhà máy khí hóa lỏng...
  • An toàn hóa chất: Kiểm tra thành phần hóa học của sản phẩm, đảm bảo không chứa các chất độc hại, kim loại nặng, hay hợp chất gây hại cho sức khỏe. Ví dụ như bao bì đóng gói thực phẩm, mỹ phẩm cần được kiểm tra để không chứa những chất có thể gây ảnh hưởng sức khỏe con người theo Quy chuẩn của Bộ Y tế. Vải dệt may cần kiểm tra theo QCVN 01:2017/BCT để đảm bảo không chứa formandehyd hoặc các hóa chất độc hại chuyển hóa từ thuốc nhuộm
  • An toàn thực phẩm: Đối với hàng thực phẩm và phụ gia thực phẩm nhập khẩu, việc kiểm tra chất lượng theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn thực phẩm là vấn đề cực kỳ quan trọng. Thực phẩm và phụ gia thực phẩm nhập khẩu được kiểm tra theo các quy chuẩn của Bộ Y tế với các chỉ tiêu sinh hóa. VD như kiểm tra hàm lượng kim loại nặng, kiểm tra hàm lượng các vi khuẩn có hại, các thành phần bào tử nấm mốc và các chỉ tiêu chất lượng về dinh dưỡng.
Kiểm tra chất lượng về an toàn điện

Kiểm tra chất lượng về an toàn điện

Tương thích điện từ (EMC)

Khả năng tương thích điện từ (EMC) là tiêu chí quan trọng đối với các thiết bị điện tử, công nghệ thông tin. EMC đảm bảo rằng sản phẩm không gây nhiễu điện từ (EMI) cho các thiết bị khác và cũng không bị ảnh hưởng bởi nhiễu điện từ từ bên ngoài (EMS). Điều này giúp bảo vệ cả thiết bị và người dùng khỏi các nguy cơ tiềm ẩn.

  • Không gây nhiễu cho thiết bị khác (EMI): Thiết bị phải được kiểm tra để đảm bảo không phát ra các tần số điện từ ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị điện tử lân cận, ví dụ như sóng vô tuyến hoặc sóng truyền tải dữ liệu. Các sản phẩm gia dụng có dòng khởi động lớn, thường xuyên đóng ngắt như tủ lạnh, máy hút bụi, điều hòa không khí và các thiết bị thu phát sóng vô tuyến thường phải kiểm tra chất lượng về EMI. Ví dụ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho EMI là QCVN 9:2012/BKCN, TCVN 7189, CISPR 32...
  • Khả năng chống nhiễu từ bên ngoài (EMS): Đảm bảo thiết bị có thể hoạt động ổn định khi có nhiễu từ các thiết bị xung quanh, ví dụ như không bị ảnh hưởng bởi các thiết bị di động, sóng Wi-Fi, hoặc các thiết bị phát tần số cao. Chỉ tiêu này thường được yêu cầu đối với các thiết bị CNTT hoạt động trong môi trường có nhiều nhiễu hại.

>>> Xem thêm:  Kiểm tra chất lượng thiết bị vô tuyến, CNTT

Độ bền và độ tin cậy

Độ bền và tính tin cậy của sản phẩm là yếu tố quan trọng quyết định giá trị sử dụng lâu dài và sự hài lòng của khách hàng. Để đạt được tiêu chuẩn này, sản phẩm cần phải:

  • Đảm bảo độ bền và tuổi thọ: Độ bền được đo lường bằng khả năng chịu đựng của sản phẩm khi sử dụng trong các điều kiện bình thường và khắc nghiệt (nhiệt độ, độ ẩm, va đập...). Ví dụ, các sản phẩm điện tử có thể trải qua bài kiểm tra tuổi thọ pin, độ bền vỏ ngoài, và khả năng chịu lực va đập. Các bài kiểm tra về độ bền, tuổi thọ thường được tích hợp trong một tiêu chuẩn chất lượng có yêu cầu nhiều tiêu chí hoặc được lập thành một quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng. QCVN 132:2022/BTTTT, TCVN 7896:2015, TCVN 8249:2013, QCVN 19:2019/BKHCN là các tiêu chuẩn, quy chuẩn có yêu cầu về độ bền, tuổi thọ.
  • Độ tin cậy khi hoạt động: Đảm bảo rằng sản phẩm có thể hoạt động ổn định trong một thời gian dài hoặc trong tình huống quá tải không mong muốn mà không gặp lỗi kỹ thuật hay hư hỏng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các thiết bị công nghiệp hoặc thiết bị y tế, nơi sự cố có thể gây thiệt hại hoặc nguy hiểm. Các chỉ tiêu thử nghiệm trong điều kiện khắc nghiệt trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chính là các ví dụ về thử nghiệm độ tin cậy.
 Kiểm tra chất lượng về độ bền, độ tin cậy

Kiểm tra chất lượng về độ bền, độ tin cậy

Tiết kiệm năng lượng

Tiết kiệm năng lượng là một tiêu chí ngày càng quan trọng, đặc biệt với các sản phẩm điện tử và thiết bị gia dụng. Sản phẩm tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp người dùng giảm chi phí điện mà còn bảo vệ môi trường. Các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu phải có hiệu suất sử dụng năng lượng tốt nhất, giảm thiểu lượng điện năng tiêu thụ nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả. Đối với một số loại sản phẩm như tủ lạnh, điều hòa, đèn LED chiếu sáng, máy tính xách tay... việc đáp ứng các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương Việt Nam như TCVN 7896:2015, TCVN 8249:2013, TCVN 11848:2021... là bắt buộc.

>>> Xem thêm:  Thủ tục công bố nhãn tiết kiệm năng lượng

Bảo vệ môi trường

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng việc đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường ngày càng quan trọng. Các tiêu chí kiểm tra liên quan đến bảo vệ môi trường bao gồm các quy định về việc cấm nhập khẩu thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu,  giới hạn về hàm lượng kim loại nặng và hóa chất độc hại trong sản phẩm, cấm nhập khẩu một số thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho môi trường.

Xem chi tiết một số nội dung:

>>> Xem thêm:  Vì sao phải hạn chế nhập khẩu sản phẩm CNTTT cũ

>>> Xem thêm:  Chứng nhận hợp quy hàm lượng hóa chất độc hại

Kiểm tra chất lượng về hàm lượng kim loại nặng và hóa chất để bảo vệ môi trường

Kiểm tra chất lượng về hàm lượng kim loại nặng và hóa chất để bảo vệ môi trường

 

Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng

Danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chất lượng chính là danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (hay còn được gọi là danh mục hàng hóa nhóm 2) được các Bộ chuyên ngành ban hành bằng văn bản kèm theo mã HS code và mô tả sản phẩm hàng hóa. Nguyên tắc áp dụng chung đối với danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành là sản phẩm chỉ thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành khi trùng khớp cả về mô tả và mã HS code được quy định trong danh mục. Dưới đây là các danh mục sản phẩm phải kiểm tra chất lượng nhà nước:

Stt Tên danh mục Văn bản ban hành
1 Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng của Bộ KHCN

Quyết định số 2711/QĐ-BKHCN

2 Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng của Bộ TT&TT Thông tư số 02/2024/TT-BTTTT
3 Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng của Bộ Công thương Quyết định số 1182/QĐ-BCT
4 Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng của Bộ GTVT Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT
5 Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng của Bộ LĐ - TB & XH Thông tư số 01/2021/TT-BLĐTBXH
6 Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng của Bộ Công An Thông tư số 08/2019/TT-BCA
7 Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng của Bộ NN&PTNT Thông tư số 16/2021/TT-BNNPTNT

 

Quy trình kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu

Bước 1: Xác định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng

Bạn có thể xác định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc phải áp dụng cho sản phẩm căn cứ theo mã HS, đặc tính kỹ thuật và mô tả của sản phẩm hàng hóa và đối chiếu với danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng. Khi xác định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng, bạn cần lưu ý các trường hợp không phải kiểm tra chất lượng đã được ghi rõ trong văn bản quy định danh danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng và phạm vi áp dụng của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Đối với một số loại sản phẩm như hàng hóa công nghệ thông tin, việc xác định quy chuẩn kỹ thuật áp dụng là rất khó, yêu cầu kiến thức chuyên môn cao. Trong trường hợp này, bạn có thể liên hệ ExtendMax để được hỗ trợ

>>> Xem thêm: Hướng dẫn toàn điện về mã HS code - 06 sai lầm cần tránh khi xác định HS code

Bước 2: Đăng ký kiểm tra chất lượng tại cơ quản quản lý nhà nước

Sau khi xác định được tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật áp dụng, doanh nghiệp tiến hành thủ tục đăng ký kiểm tra chất lượng thông qua cổng thông tin 1 cửa quốc gia. Trong một số trường hợp, bạn có thể vẫn phải nộp hồ sơ giấy khi cổng thông tin một cửa quốc gia tạm ngừng hoạt động hoặc cổng thông tin của khi cơ quan quản lý nhà nước chưa liên thông với công thông tin một cửa.

Đăng ký kiểm tra chất lượng ở cổng dịch vụ công 1 cửa quốc gia
Đăng ký kiểm tra chất lượng ở cổng dịch vụ công 1 cửa quốc gia

Bước 3: Truyền tờ khai kèm theo giấy đăng ký để thông quan 

Để thông quan sản phẩm, doanh nghiệp mở tờ khai hải quan và truyền tờ khai hải quan cho lô hàng nhập khẩu kèm theo số đăng ký kiểm tra chất lượng hoặc giấy đăng ký kiểm tra chất lượng (đã được cơ quan kiểm tra nhà nước xác nhận). Việc tiến hành các thủ tục tiếp theo được thực hiện như đối với các hàng hóa thông thường. Lời khuyên của ExtendMax: bạn cần lưu ý nếu mở tờ khai trước khi đăng ký kiểm tra chất lượng thì người nhập khẩu có thể bị xử phạt hành chính theo quy định.

Bước 4: Thử nghiệm sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

Người nhập khẩu thực hiện thủ tục lấy mẫu sản phẩm theo phương thức chứng nhận hợp quy áp dụng và tiến hành thử nghiệm tại các phòng thử nghiệm đã được Bộ quản lý chuyên ngành thừa nhận, hoặc chỉ định, hoặc công nhận. Danh mục các phòng thử nghiệm đủ điều kiện thường sẽ được các Bộ quản lý chuyên ngành công bố trên website chính thức.

Bước 5: Chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu

Sau khi có kết quả thử nghiệm, người nhập khẩu nộp kết quả này cho tổ chức chứng nhận hợp quy. Tổ chức chứng nhận hợp quy sẽ đánh giá sự phù hợp và ban hành Giấy chứng nhận hợp quy nếu sản phẩm đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng.

>>> Xem thêm:  Hướng dẫn thủ tục Chứng nhận hợp quy

Bước 6: Công bố hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu

Sau khi có kết quả chứng nhận hợp quy, doanh nghiệp thực hiện thủ tục công bố hợp quy bằng cách nộp giấy chứng nhận hợp quy qua cổng thông tin 1 cửa cho cơ quan quản lý nhà nước. Trong một số trường hợp đặc biệt như công bố hợp quy thiết bị vô tuyến & CNTTT năm 2024, doanh nghiệp vẫn cần phải nộp hồ sơ giấy.

>>> Xem thêm:  Hướng dẫn thủ tục Công bố hợp quy

>>> Xem thêm: Chứng nhận hợp chuẩn công bố hợp chuẩn

Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, doanh nghiệp không phải thực hiện các khâu đăng ký kiểm tra chất lượng và thông quan. Người sản xuất trực tiếp thực hiện quy trình kiểm tra chất lượng từ khâu thứ 3.

 

Chi phí kiểm tra chất lượng nhà nước

Chi phí kiểm tra chất lượng nhà nước là chi phí cho toàn bộ các khâu thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy. Chi phí này biến động phụ thuộc vào loại sản phẩm, đặc tính kỹ thuật của sản phẩm, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật áp dụng. Bạn có thể tham khảo chi phí kiểm tra chất lượng của một số loại sản phẩm dưới đây:

Hàng hóa điện gia dụng: 5.000.000 VNĐ ~ 20.000.000 VNĐ

Hàng hóa vô tuyến, CNTT: 5.000.000 VNĐ ~ 1.500.000.000 VNĐ

Hàng hóa thực phẩm: 5.000.000 VNĐ ~ 20.00.000.000 VNĐ

>>> Xem thêm: Chi phí Chứng nhận hợp quy thiết bị vô tuyến, CNTT

 

Các câu hỏi thường gặp về kiểm tra chất lượng

ExtendMax là công ty uy tín #1 về thủ tục kiểm tra chất lượng

ExtendMax là công ty uy tín #1 về thủ tục kiểm tra chất lượng

Bạn hỏi: Tôi đã đăng ký kiểm tra chất lượng rồi, hàng hóa đã được thông quan rồi. Sao tôi phải làm thử nghiệm và chứng nhận hợp quy nữa?

ExtendMax trả lời: Thủ tục kiểm tra chất lượng nhà nước bao gồm các khâu thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy. Khâu đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước chỉ là khâu ban đầu. Trong trường hợp bạn không hoàn thành các thủ tục chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy trong thời gian quy định, Cơ quan quản lý nhà nước có thể sẽ ban hành văn bản nhắc nhở, hoặc chuyển doanh nghiệp của bạn sang danh sách quản lý chặt ở mức độ tiền kiểm đối với các lô hàng hóa nhập khẩu tiếp theo.

 

Bạn hỏi: Chi phí kiểm tra chất lượng nhà nước là bao nhiêu?

ExtendMax trả lời: Chi phí kiểm tra chất lượng nhà nước biến động phụ thuộc vào loại sản phẩm, đặc tính kỹ thuật của sản phẩm, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật áp dụng, không có mức cố định. Trong trường hợp bạn cần biết chi phí kiểm tra chất lượng nhà nước cho sản phẩm điện tử & CNTT, hãy liên hệ với ExtendMax để được báo giá.

 

Bạn hỏi: Thời gian cần phải hoàn thành kiểm tra chất lượng nhà nước là bao lâu?

ExtendMax trả lời: Căn cứ theo Nghị định 74/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp nhập khẩu cần phải hoàn thành thủ tục kiểm tra chất lượng nhà nước trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thông quan.

 

Bạn hỏi: Tôi đã đăng ký kiểm tra chất lượng, thử nghiệm và nộp hồ sơ chứng nhận hợp quy nhưng sản phẩm không đạt quy chuẩn. Giờ tôi phải làm sao?

ExtendMax trả lời: Trong trường hợp sản phẩm không đạt quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn về chất lượng, bạn sẽ phải làm thủ tục xuất trả hàng hóa ra nước ngoài hoặc hủy hàng đã nhập. Sau đó bạn gửi tờ khai xuất trả hoặc bằng chứng về việc đã tiêu hủy hàng hóa cho cơ quan quản lý nhà nước để làm thủ tục đóng hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng. Không còn cách nào khác.

 

Nếu bạn thấy bài viết hướng dẫn của chúng tôi là hữu ích và có giá trị áp dụng trong thực tế, xin vui lòng ủng hộ chúng tôi bằng cách đánh giá ở phần dưới của bài viết, để lại bình luận, và chia sẻ bài viết tới những người bạn hoặc những người làm việc cùng ngành nhập khẩu, logistics. Đánh giá của bạn sẽ là động lực lớn để chúng tôi viết các hướng dẫn thủ tục chi tiết hơn, có giá trị hướng dẫn hơn cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

↓ ↓ ↓ ↓ ↓ ↓ ↓

Trần Thanh Phương
Trần Thanh Phương

Tôi là Trần Thanh Phương, một luật gia chuyên về Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn Thông tin mạng, Luật Hải quan, Luật Quản lý ngoại thương. Tôi là chuyên gia tư vấn được các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Amazon, Cisco, HPE, Arista, Palo Alto, Lenovo... tín nhiệm trong lĩnh vực tư vấn về thủ tục xuất nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin vào Việt Nam.

Khách hàng đánh giá
5.0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Đánh giá và nhận xét

Gửi nhận xét của bạn

      Bình luận
      Gửi bình luận
      Bình luận
        Tin tức mới
        Liên hệ ngay

        CÔNG TY TNHH EXTENDMAX VIỆT NAM

        MSDN: 0106943741

        Email: consultant@extendmax.vn

        Hotline: 0915 836 555 | Hà Nội: 024 6666 3066

        Hotline tư vấn Mật mã Dân sự: 0915 836 555

        DKKD:P903, tầng 9, tháp A, tòa nhà tổ hợp Sky City Tower, 88 Láng Hạ, P. Láng Hạ, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội, Việt Nam

        Head Office: Biệt thự ExtendMax, C01-L18 An Vượng, KĐT Dương Nội, P. Dương Nội, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội, Việt Nam

        Test laboratory: Biệt thự BT02-21, Khu ĐT An Hưng, Tố Hữu, P. La Khê, Q. Hà Đông, Hà Nội