EXTENDMAX – Thủ tục nhập khẩu thiết bị công nghệ thông tin (thiết bị IT) đã qua sử dụng luôn là một câu hỏi có nhiều doanh nghiệp quan tâm. Đừng lo lắng, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn về 10 trường hợp được phép nhập khẩu thiết bị công nghệ thông tin đã qua sử dụng. ExtendMax cũng hướng dẫn các thủ tục, căn cứ pháp lý và hồ sơ cần thiết để xin giấy phép nhập khẩu thiết bị CNTT đã qua sử dụng trong bài viết này.
Sản phẩm, thiết bị CNTT đã qua sử dụng là gì?
Sản phẩm Công nghệ Thông tin (CNTT) là các sản phẩm sử dụng công nghệ số hóa để xử lý, lưu trữ, truyền tải và quản lý thông tin. Sản phẩm CNTT có thể là các thiết bị phần cứng hoặc phần mềm ứng dụng để hỗ trợ công việc, quản lý dữ liệu và bảo mật thông tin tồn tại dưới dạng kỹ thuật số.
Sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng hay hàng hóa công nghệ thông tin đã qua sử dụng là các sản phẩm phần cứng cũ, đã qua sử dụng. Sở dĩ chúng ta không coi phần mềm là hàng hóa công nghệ thông tin đã qua sử dụng là do phần mềm không có mã số HS. Mã HS khi nhập khẩu phần mềm sẽ là mã HS của vật chứa nó (phần cứng) là ổ cứng hoặc USB hoặc đĩa cứng.
Các thiết bị cũ như điện thoại cũ, máy tính cũ, server cũ, thiết bị định tuyến đã qua sử dụng, thiết bị tường lửa cũ, laptop cũ... là các ví dụ điển hình về thiết bị CNTT đã qua sử dụng. Hàng hóa tân trang làm mới (refurbised) cũng là một loại sản phẩm CNTT đã qua sử dụng.
Dấu hiệu nhận biết hàng hóa CNTT đã qua sử dụng
Theo góc nhìn kinh nghiệm của ExtendMax trong quá trình xuất nhập khẩu và kiểm hóa, hàng hóa CNTT sẽ bị nghi ngờ là đã qua sử dụng khi có một trong các dấu hiệu sau:
- Hàng hóa CNTT không có bao bì đóng gói, không có hộp đựng.
- Hàng hóa có bao bì đóng gói nhưng không còn nguyên đai nguyên kiện.
- Hàng hóa có vết bẩn, vết xước, hoặc vết lõm trên vỏ máy.
Vì sao phải hạn chế nhập khẩu thiết bị CNTT đã qua sử dụng
Sản phẩm CNTT đã qua sử dụng bị cấm hoặc hạn chế nhập khẩu trong hầu hết các trường hợp nhập khẩu thông thường bởi các lý do sau:
1) Thiết bị CNTT đã qua sử dụng có thể tiềm ẩn nguy cơ bảo mật cao, như chứa phần mềm gián điệp hoặc mã độc. Điều này có thể ảnh hưởng đến hệ thống thông tin quan trọng, gây ra các vấn đề nghiêm trọng về an ninh mạng và rò rỉ dữ liệu.
2) Các thiết bị đã qua sử dụng thường không đảm bảo hiệu suất và có nguy cơ hỏng hóc cao hơn so với thiết bị mới. Điều này có thể dẫn đến giảm năng suất làm việc, đồng thời tăng chi phí bảo trì và sửa chữa.
3) Thiết bị IT cũ có thể gây ra lượng lớn rác thải điện tử, bao gồm các linh kiện độc hại như pin, màn hình, và các loại hóa chất nguy hiểm khác. Cấm nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng góp phần giảm thiểu tình trạng rác thải điện tử, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
4) Thiết bị CNTT đã qua sử dụng thường không đạt các tiêu chuẩn mới nhất về an toàn và chất lượng, dẫn đến nguy cơ gây hại cho người sử dụng. Cấm nhập khẩu giúp đảm bảo các sản phẩm CNTT được sử dụng trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, bảo mật và hiệu suất.
Các loại thiết bị công nghệ thông tin đã qua sử dụng bị hạn chế nhập khẩu bao gồm những sản phẩm:
- Máy in cũ thuộc nhóm có mã HS 844331, 844332, 844399
- Máy tính cũ hoặc server cũ hoặc máy xử lý dữ liệu đã qua sử dụng thuộc nhóm có mã HS 8471
- Điện thoại cũ, thiết bị chuyển mạch cũ, thiết bị định tuyến đã qua sử dụng, thiết bị tường lửa cũ hoặc các sản phẩm CNTT cũ thuộc nhóm có mã HS 8517
- Điện thoại bàn loại cũ, micro và loa cũ, màn hình cũ và một số loại sản phẩm CNTT cũ thuộc nhóm HS 8518, 8525, 8526, 8527, 8528, 8534, 8540, 8544, 8545...
Lưu ý: Một số loại máy in đã qua sử dụng với tuổi đời 10~20 năm (tùy loại) được phép nhập khẩu để phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Thủ tục xin giấy phép nhập khẩu máy in cũ được thực hiện theo Nghị định số 72/2022/NĐ-CP.
>>> Xem thêm: Thủ tục nhập khẩu máy in đã qua sử dụng và máy in mới
Các quy định về cấm nhập khẩu thiết bị CNTT đã qua sử dụng được quy định chi tiết tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Danh mục sản phẩm sản phẩm CNTT cũ, bị cấm nhập khẩu kèm theo mã HS được quy định chi tiết tại Thông tư số 11/2018/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, đối với 10 trường hợp đặc biệt sau đây, chính phủ cho phép nhập khẩu khẩu thiết bị CNTT đã qua sử dụng
10 trường hợp được nhập khẩu thiết bị CNTT đã qua sử dụng
Căn cứ theo Quyết định số 18/2016/QĐ-TTg và Quyết định số 31/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP và Nghị định số 77/2023/NĐ-CP của Chính phủ, 10 trường hợp sau được phép nhập khẩu thiết bị Công nghệ thông tin đã qua sử dụng
Quyết định số 18/2016/QĐ-TTg quy định 6 trường hợp:
1. Nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng theo hình thức di chuyển phương tiện sản xuất trong cùng một tổ chức.
2. Nhập khẩu sản phẩm IT đã qua sử dụng để làm thiết bị điều khiển, vận hành, khai thác, kiểm tra hoạt động của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, dây chuyền sản xuất.
3. Nhập khẩu sản phẩm IT đã qua sử dụng để phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm, gia công quy trình kinh doanh bằng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu cho đối tác nước ngoài.
4. Nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin chuyên dùng đã qua sử dụng.
5. Tái nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã hết thời hạn bảo hành sau khi đưa ra nước ngoài để sửa chữa.
6. Nhập khẩu sản phẩm, linh kiện đã được tân trang, làm mới để thay thế, sửa chữa cho người sử dụng trong nước mà sản phẩm, linh kiện đó hiện nay không còn được sản xuất.
Quyết định số 31/2019/QĐ-TTg quy định 2 trường hợp:
7. Nhập khẩu thiết bị CNTT đã qua sử dụng để nghiên cứu khoa học
8. Nhập khẩu thiết bị CNTT đã qua sử dụng để gia công sửa chữa tiêu thụ ở nước ngoài
Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định 1 trường hợp:
9. Nhập khẩu hàng hóa CNTT đã qua sử dụng theo hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất
Nghị định số 77/2023/NĐ-CP quy định 1 trường hợp:
10. Nhập khẩu thiết bị CNTT đã qua sử dụng để tân trang , làm mới (refurbish), có thể tiêu thụ ở trong nước hoặc nước ngoài
Bạn có biết: Việc nhập khẩu hàng hóa CNTT cũ bị cấm trong phần lớn các trường hợp. Tuy nhiên, việc xuất khẩu hàng hóa công nghệ thông tin đã qua sử dụng lại được pháp luật cho phép. Bạn có thể xuất khẩu hàng hóa công nghệ thông tin cũ với điều kiện sản phẩm vẫn hoạt động tốt, không phải là rác thải công nghệ. ExtendMax hiện tại là nhà cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu ủy thác uy tín hàng đầu Việt Nam, là nhà cung ứng dịch vụ trong chuỗi giá trị toàn cầu của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Amazon, Cisco, Arista, Palo Alto, F5, HPE... Khi bạn có nhu cầu, hãy liên hệ với chúng tôi để sử dụng dịch vụ xuất nhập khẩu ủy thác
Nguyên tắc nhập khẩu thiết bị CNTT đã qua sử dụng
Căn cứ theo Điều 3 Quyết định số 18/2016/QĐ-TTg, chỉ các thiết bị đáp ứng được những điều kiện sau đây mới được phép nhập khẩu
"Điều 3. Nguyên tắc nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh Mục cấm nhập khẩu
1. Hàng hóa đã qua sử dụng được nhập khẩu phải bảo đảm các quy định liên quan về an toàn, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
2. Không xem xét, cho phép nhập khẩu các hàng hóa đã qua sử dụng mà các nước đã công bố loại bỏ vì lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường.
3. Hàng hóa đã qua sử dụng được nhập khẩu ngoài việc đáp ứng các Điều kiện, tiêu chí quy định tại Điều 5 Quyết định này, phải đáp ứng các quy định hiện hành về nhập khẩu hàng hóa."
>>> Xem thêm: Hướng dẫn chứng nhận hợp quy sản phẩm CNTT
Đối tượng được phép nhập khẩu thiết bị CNTT đã qua sử dụng
Để được phép nhập khẩu thiết bị CNTT đã qua sử dụng, doanh nghiệp nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau:
1) Người nhập khẩu là tổ chức, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam
2) Người nhập khẩu đáp ứng các yêu cầu cụ thể về thủ tục hồ sơ quy định tại Quyết định số 18/2016/QĐ-TTg và Quyết định số 31/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP và Nghị định số 77/2023/NĐ-CP của Chính phủ đối với từng trường hợp nhập khẩu tương ứng
3) Đối với thiết bị IT là sản phẩm mật mã dân sự hoặc sản phẩm an toàn thông tin mạng, doanh nghiệp nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu cấp phép của 2 loại giấy phép đặc biệt này.
>>> Xem thêm: Điều kiện và thủ tục xin cấp giấy phép mật mã dân sự
>>> Xem thêm: Điều kiện và thủ tục xin cấp giấy phép an toàn thông tin mạng
Thủ tục xin cấp phép nhập khẩu thiết bị CNTT đã qua sử dụng
Xin giấy phép cho 06 trường hợp của Quyết định số 18/2016/QĐ-TTg
Doanh nghiệp chuẩn bị bộ hồ sơ xin phép nhập khẩu bao gồm:
1. Đơn đề nghị cho phép nhập khẩu của người nhập khẩu soạn theo mẫu quy định tại Quyết định số 18/2016/QĐ-TTg;
2. Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định, giấy phép thành lập, giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép đầu tư)
3. Tài liệu cụ thể đối với từng trường hợp trong 06 trường hợp:
a) Nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng theo hình thức di chuyển phương tiện sản xuất trong cùng một tổ chức:
- Tài liệu kỹ thuật mô tả sản phẩm: 01 (một) bản sao;
- Tài liệu chứng minh sản phẩm công nghệ thông tin nhập khẩu là tài sản của doanh nghiệp nước ngoài có mối quan hệ với người nhập khẩu và được sử dụng làm phương tiện sản xuất của người nhập khẩu: 01 (một) bản chính;
- Tài liệu thể hiện nguồn gốc sản phẩm (hóa đơn, hợp đồng mua bán hoặc tài liệu tương đương): 01 (một) bản sao;
- Quyết định di chuyển tài sản của tổ chức: 01 (một) bản chính.
b) Nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng để làm thiết bị Điều khiển, vận hành, khai thác, kiểm tra hoạt động của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, dây chuyền sản xuất:
- Tài liệu kỹ thuật mô tả sản phẩm: 01 (một) bản sao;
- Tài liệu chứng minh sản phẩm công nghệ thông tin nhập khẩu là thiết bị hoặc bộ phận cấu thành của hệ thống, dây chuyền sản xuất: 01 (một) bản chính;
- Tài liệu thể hiện nguồn gốc sản phẩm (hóa đơn, hợp đồng mua bán hoặc tài liệu tương đương): 01 (một) bản sao.
c) Nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng để phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm, gia công quy trình kinh doanh bằng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu cho đối tác nước ngoài:
- Tài liệu kỹ thuật mô tả sản phẩm: 01 (một) bản sao;
- Hợp đồng hoặc tài liệu khác thể hiện việc sử dụng sản phẩm vào Mục đích sản xuất sản phẩm phần mềm, gia công quy trình kinh doanh bằng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu cho đối tác nước ngoài: 01 (một) bản sao.
d) Nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin chuyên dùng đã qua sử dụng:
- Tài liệu kỹ thuật mô tả sản phẩm: 01 (một) bản sao;
- Tài liệu chứng minh là sản phẩm công nghệ thông tin chuyên dùng: 01 (một) bản chính;
- Tài liệu thể hiện nguồn gốc sản phẩm (hóa đơn, hợp đồng mua bán hoặc tài liệu tương đương): 01 (một) bản sao.
đ) Tái nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã hết thời hạn bảo hành sau khi đưa ra nước ngoài để sửa chữa:
- Hợp đồng thực hiện dịch vụ sửa chữa: 01 (một) bản sao;
- Tài liệu thể hiện nguồn gốc sản phẩm (hóa đơn, hợp đồng mua bán hoặc tài liệu tương đương): 01 (một) bản sao;
- Hồ sơ xuất khẩu: 01 (một) bản sao.
e) Nhập khẩu sản phẩm, linh kiện đã được tân trang, làm mới để thay thế, sửa chữa cho người sử dụng trong nước mà sản phẩm, linh kiện đó hiện nay không còn được sản xuất:
- Tài liệu báo cáo về việc thiết lập hệ thống dịch vụ bảo hành, bảo trì cho khách hàng trong nước, trong đó nêu rõ các quy trình, công đoạn của hệ thống dịch vụ bảo hành, bảo trì: 01 (một) bản chính;
- Văn bản ủy quyền cho người nhập khẩu thay mặt thực hiện dịch vụ bảo hành, bảo trì, thay thế, sửa chữa, trong đó có Điều Khoản quy định về trách nhiệm của các bên (áp dụng đối với hình thức thuê bên thứ ba thực hiện dịch vụ): 01 (một) bản sao;
- Tài liệu của nhà sản xuất chứng minh đã dừng không sản xuất sản phẩm, linh kiện: 01 (một) bản sao.
Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ, doanh nghiệp trực tiếp nộp tại trụ sở của Bộ TT&TT hoặc nộp qua đường bưu chính. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời cho phép nhập khẩu. Trường hợp không cho phép, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
>>> Xem thêm: Tìm hiểu Bộ chứng từ xuất nhập khẩu đầy đủ gồm những gì?
Xin giấy phép cho 02 trường hợp của Quyết định số 18/2016/QĐ-TTg
Hồ sơ đề nghị cho phép nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng để nghiên cứu khoa học:
a) Văn bản cam kết và đề nghị cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học của thương nhân theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này: 01 bản chính;
b) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: 01 bản sao có chứng thực;
c) Tài liệu kỹ thuật mô tả hàng hóa; tài liệu thể hiện nguồn gốc hàng hóa (hóa đơn, vận đơn, hợp đồng,...): 01 bản sao;
d) Quyết định phê duyệt dự án nghiên cứu khoa học, Đề cương đề án nghiên cứu khoa học hoặc tài liệu khác trong đó nêu rõ mục tiêu, nội dung, kết quả dự kiến và thời gian thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học; giải trình về chủng loại và số lượng hàng hóa cần nhập khẩu, thời hạn và biện pháp xử lý hàng hóa sau khi kết thúc quá trình nghiên cứu khoa học: 01 bản chính;
Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện về Bộ Thông tin và Truyền thông (địa chỉ: số 18 đường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, quyết định cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học. Trong trường hợp không cho phép, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Hồ sơ đề nghị cho phép Nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng để gia công sửa chữa cho nước ngoài:
a) Văn bản cam kết và đề nghị cho phép thực hiện hoạt động gia công sửa chữa hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu cho thương nhân nước ngoài của thương nhân theo mẫu số 2: 01 bản chính;
b) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: 01 bản sao có chứng thực;
c) Hồ sơ năng lực của thương nhân bao gồm: Cơ sở, nhà máy sản xuất; hệ thống dây chuyền, thiết bị, thực hiện hoạt động gia công sửa chữa phù hợp với từng loại sản phẩm; nhân lực đáp ứng quy mô sản xuất; năng lực tài chính: 01 bản chính. (Đối với các thương nhân đã được cấp phép, nếu Hợp đồng gia công mới hoặc điều chỉnh, bổ sung không làm thay đổi quy mô, công suất, chủng loại, tính chất sản phẩm của dự án thì không phải nộp tài liệu này);
d) Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Giấy xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường cho dự án thực hiện hoạt động gia công sửa chữa theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền căn cứ theo quy mô, công suất, tính chất sản phẩm của dự án: 01 bản sao có chứng thực. (Đối với các thương nhân đã được cấp phép, nếu Hợp đồng gia công mới hoặc điều chỉnh, bổ sung không làm thay đổi quy mô, công suất, chủng loại, tính chất sản phẩm của dự án thì không phải nộp tài liệu này);
đ) Hợp đồng thực hiện hoạt động gia công sửa chữa với thương nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật: 01 bản chính hoặc bản sao công chứng.
Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện về Bộ Thông tin và Truyền thông (địa chỉ: số 18 đường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, quyết định cho phép thực hiện hoạt động gia công sửa chữa hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu cho thương nhân nước ngoài. Trong trường hợp không cho phép, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Xin giấy phép nhập khẩu thiết bị CNTT đã được tân trang, làm mới
Thông tư 11/2018/TT-BTTTT có quy định: "Sản phẩm công nghệ thông tin tân trang là sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng, được sửa chữa, thay thế linh kiện và qua các công đoạn khác để phục hồi chức năng, hình thức tương đương sản phẩm mới; có nhãn hiệu bằng tiếng Việt ghi rõ sản phẩm tân trang, hoặc bằng tiếng nước ngoài có ý nghĩa tương đương; có chế độ bảo hành như sản phẩm mới của nhà sản xuất. Các sản phẩm công nghệ thông tin tân trang có mã số HS thuộc Danh mục cấm nhập khẩu quy định tại Phụ lục của Thông tư này bị cấm nhập khẩu."
Thông tư 11/2018/TT-BTTTT quy định thiết bị CNTT tân trang thuộc diện bị cấm nhập khẩu, có khác biệt so với nội dung quy định bởi Nghị định 77/2023/NĐ-CP. Căn cứ theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta áp dụng văn bản cấp cao hơn và các điều ước hoặc hiệp định quốc tế mà Việt Nam là một thành viên. Điều này có nghĩa là chúng ta được phép nhập khẩu sản phẩm CNTT tân trang nếu đáp ứng được điều kiện cấp phép theo quy định tại Nghị định 77/2023/NĐ-CP.
Riêng đối với hàng hóa tân trang, doanh nghiệp tân trang hàng hóa (ở nước ngoài) phải là doanh nghiệp đã được Bộ Công thương cấp mã số tân trang.
Tùy theo phân công quản lý tại Phụ lục I, II, III, IV và V của Nghị định 77/2023/NĐ-CP, thương nhân nhập khẩu gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu hàng hóa tân trang qua đường bưu điện (hoặc trực tuyến, nếu có áp dụng) tới cơ quan cấp giấy phép. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu hàng hóa tân trang theo mẫu tại Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này (01 bản chính).
b) Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (01 bản sao có xác thực của thương nhân).
c) Văn bản của doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang xác nhận hàng hóa tân trang nhập khẩu theo Đơn đề nghị của thương nhân là hàng hóa đã được doanh nghiệp này đăng ký khi đề nghị cấp Mã số tân trang (01 bản chính kèm theo bản dịch tiếng Việt nếu ngôn ngữ sử dụng tại bản chính không phải là tiếng Việt, được ký xác thực bởi đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang).
d) Báo cáo tình hình nhập khẩu hàng hóa tân trang theo giấy phép đã được cấp trước đó theo mẫu tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này (01 bản chính).
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan cấp giấy phép xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu hàng hóa tân trang cho thương nhân. Trường hợp không cấp, cơ quan cấp giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Thủ tục nhập khẩu hàng hóa CNTT đã qua sử dụng
Qua phần trình bày ở trên, chắc hẳn bạn đã có cái nhìn tổng quan về các chính sách nhập khẩu áp dụng đối với thiết bị CNTT cũ. Trong trường hợp sản phẩm của bạn nhập khẩu thuộc 10 loại đã nêu, thủ tục nhập khẩu máy tính cũ, điện thoại cũ, server cũ... được thực hiện như sau:
Bước 1: Xin giấy phép nhập khẩu thiết bị CNTT đã qua sử dụng
Bước 2: Cho xuất khẩu hàng CNTT đã qua sử dụng về Việt Nam
Bước 3: Thực hiện các bước mở tờ khai như hàng hóa mới
Bước 4: Truyền tờ khai kèm theo các giấy phép đã được cấp
Bước 5: Nộp thuế và thực hiện các thủ tục khác để được thông quan
Bước 6: Sau nhập khẩu, doanh nghiệp thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định
Trên đây là hướng dẫn của ExtendMax về thủ tục nhập khẩu thiết bị CNTT đã qua sử dụng. Trong trường hợp bạn còn thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn của Extendmax xin hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ.
Nếu bạn thấy bài viết hướng dẫn của chúng tôi là hữu ích và có giá trị áp dụng trong thực tế, xin vui lòng ủng hộ chúng tôi bằng cách đánh giá ở phần dưới của bài viết, để lại bình luận, và chia sẻ bài viết tới những người bạn hoặc những người làm việc cùng ngành nhập khẩu, logistics. Đánh giá của bạn sẽ là động lực lớn để chúng tôi viết các hướng dẫn thủ tục chi tiết hơn, có giá trị hướng dẫn hơn cho các doanh nghiệp nhập khẩu
↓ ↓ ↓ ↓ ↓ ↓ ↓