Cẩm nang toàn diện về chứng nhận hợp quy và các phương thức chứng nhận

Chi tiết toàn diện thế nào là chứng nhận hợp quy và các phương thức chứng nhận khác nhau, giúp bạn nắm rõ các quy trình và lợi ích liên quan. So sánh CNHQ ở Việt Nam và nước ngoài

EXTENDMAX – Tìm hiểu chứng nhận hợp quy là gì và các phương thức chứng nhận hợp quy là một bước không thể thiếu để đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và mở rộng cơ hội kinh doanh. Từ thiết bị điện tử, vô tuyến, viễn thông, thực phẩm đến dược phẩm, chứng nhận hợp quy là chìa khóa giúp sản phẩm của bạn được tin cậy và ưu tiên lựa chọn bởi người tiêu dùng. Đừng bỏ lỡ những thông tin quan trọng về chứng nhận hợp quy và so sánh khác biệt giữa chứng nhận hợp quy tại Việt Nam và nước ngoài trong bài viết hướng dẫn chuyên sâu này của ExtendMax!


Trần Thanh Phương - Chuyên gia đầu ngành về tiêu chuẩn, quy chuẩn và chứng nhận hợp quy tại Việt Nam

 

Định nghĩa chứng nhận hợp quy

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11định nghĩa "chứng nhận hợp quy là việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng".

Hiểu theo cách dễ hiểu hơn, chứng nhận hợp quy là quá trình đánh giá sự phù hợp các sản phẩm, dịch vụ để đảm bảo chúng đáp ứng yêu cầu của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã được thiết lập. Chứng nhận hợp quy là thủ tục bắt buộc áp dụng đối với hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (còn được gọi là hàng hóa nhóm 2) tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác để phục vụ mục đích quản lý nhà nước và bảo vệ người tiêu dùng.

Giấy chứng nhận hợp quy là kết quả của quá trình đánh giá sự phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật do tổ chức chứng nhận ban hành. Giấy này còn có tên gọi khác là Giấy chứng nhận kiểu loại. Tên tiếng Anh của Giấy chứng nhận hợp quy là Certificate of Conformity hoặc Type Approval certificate. Căn cứ theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN, giấy chứng nhận hợp quy có hiệu lực tối đa 03 năm kể từ tổ chức chứng nhận ký ban hành.

Chứng nhận hợp quy là một trong 5 hoạt động đánh giá sự phù hợp bao gồm:

  • Thử nghiệm, đo kiểm
  • Chứng nhận hợp quy
  • Chứng nhận hợp chuẩn
  • Công bố hợp quy
  • Công bố hợp chuẩn

Trong một số trường hợp khi tiêu chuẩn kỹ thuật được đưa vào một văn bản pháp quy như Thông tư, Quyết định của Thủ tướng, hoặc Nghị định của Chính phủ quy định danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành và tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng, việc đánh giá sự phù hợp theo tiêu chuẩn kỹ thuật lúc này cũng được gọi là chứng nhận hợp quy.

Mẫu giấy chứng nhận hợp quy ICT của Việt Nam (Bộ TT&TT)

Đối tượng phải chứng nhận hợp quy

Đối tượng phải được chứng nhận hợp quy: Các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (hàng hóa nhóm 2) thuộc danh mục quản lý của các Bộ chủ quản ban hành dưới dạng văn bản pháp quy, hoặc các dịch vụ thuộc phạm vi áp dụng của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

Đối tượng phải thực hiện chứng nhận hợp quy: Các tổ chức cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm hàng hóa nhóm 2, các nhà cung cấp dịch vụ dịch vụ thuộc phạm vi áp dụng của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

>>> Đừng bỏ qua: Hướng dẫn toàn diện về công bố hợp quy

 

Danh mục sản phẩm phải chứng nhận hợp quy

Danh mục sản phẩm hàng hóa phải chứng nhận hợp quy là danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (còn được gọi là danh mục hàng hóa nhóm 2) được các Bộ chủ quản ban hành bằng văn bản kèm theo mã HS code và mô tả sản phẩm hàng hóa. Nguyên tắc áp dụng chung đối với danh mục hàng hóa nhóm 2 là sản phẩm chỉ thuộc diện phải chứng nhận hợp quy khi trùng khớp cả về mô tả và mã HS code được quy định trong danh mục. Dưới đây là các danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 của Việt Nam:

Stt Tên danh mục Văn bản ban hành Ghi chú
1 Danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ Khoa học và Công nghệ

Quyết định số 2711/QĐ-BKHCN

 
2 Danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ Thông tin và Truyền thông Thông tư số 02/2024/TT-BTTTT Miễn áp dụng chứng nhận hợp quy đối với một số loại sản phẩm nhập khẩu để tự sử dụng
3 Danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ Công thương Quyết định số 1182/QĐ-BCT  
4 Danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ Giao thông Vận tải Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT  
5 Danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Thông tư số 01/2021/TT-BLĐTBXH  
6 Danh mục sản phẩm mật mã dân sự của Bộ Quốc phòng Nghị định số 32/2023/NĐ-CP Hiện tại chỉ phải xin giấy phép, sẽ áp dụng chứng nhận hợp quy trong tương lai
7 Danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ Công An Thông tư số 08/2019/TT-BCA  
8 Danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thông tư số 16/2021/TT-BNNPTNT  

 

Lợi ích của chứng nhận hợp quy

Tăng cường độ tin cậy và an toàn của sản phẩm, dịch vụ: Chứng nhận hợp quy đảm bảo rằng sản phẩm, dịch vụ tuân thủ các tiêu chuẩn cần thiết về độ tin cậy và tính an toàn an toàn, từ đó giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe hoặc an toàn của người tiêu dùng. 

Mở rộng thị trường, vượt qua các rào cản thương mại: Chứng nhận hợp quy mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường có quy định kiểm soát chất lượng như Liên minh Châu Âu và Bắc Mỹ. Trong trường hợp này giấy chứng nhận hợp quy cần thiết chính là giấy chứng nhận hợp quy theo quy định của Liên minh Châu Âu (CE) và Bắc Mỹ (FCC, FDA...)

Nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ: Sản phẩm đã được trải qua các bài kiểm tra nghiêm ngặt và được chứng nhận hợp quy sẽ tạo dựng niềm tin và sự yên tâm cho khách hàng.

Đáp ứng yêu cầu pháp lý, giảm rủi ro thương mại: Việc đạt được giấy chứng nhận hợp quy sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro pháp lý, phạt tiền hoặc cấm bán sản phẩm, đồng thời đảm bảo hoạt động kinh doanh tuân thủ và bền vững. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các thị trường lớn như Mỹ, EU do mức phạt khổng lồ liên quan đến việc tuân thủ quy định về chất lượng sản phẩm.

Phục vụ mục đích quản lý nhà nước, bảo vệ người tiêu dùng: Các quy chuẩn, tiêu chuẩn tạo ra hàng rào kỹ thuật để phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn

 

Các phương thức chứng nhận hợp quy

Phương thức chứng nhận hợp quy là phương thức đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, dịch vụ theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Phương thức chứng nhận hợp quy quy định cách lấy mẫu, cách đánh giá quá trình sản xuất và cách giám sát việc tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật trong thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy. Phương thức chứng nhận hợp quy bắt buộc áp dụng đối với sản phẩm, dịch vụ thường được được quy định ngay trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, có 8 phương thức chứng nhận hợp quy được áp dụng. Tùy theo tính chất của sản phẩm, hàng hóa mà một hoặc vài phương thức được áp dụng cho hàng hóa đó. Tám phương thức chứng nhận hợp quy quy định bởi Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và các đặc điểm được tóm tắt như sau:

 

Đặc điểm của 8 phương thức chứng nhận hợp quy

Phương thức chứng nhận Mô tả Người lấy mẫu thử nghiệm Thời hạn hiệu lực tối đa Đánh giá nhà máy Chu kỳ tái đánh giá giám sát Loại sản phẩm
Phương thức 1 Thử nghiệm mẫu điển hình Doanh nghiệp 03 năm Không áp dụng Không áp dụng Áp dụng với sản phẩm ít gây mất an toàn cho con người ví dụ như thiết bị thu phát sóng
Phương thức 2 Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường Tổ chức chứng nhận 03 năm 09 ~ 12 tháng Áp dụng đối với các sản phẩm được cho là có nguy cơ gây mất an toàn cho con người. Sản phẩm điển hình thuộc nhóm này như các thiết bị điện tử gia dụng, thực phẩm và chất phụ gia hoặc bao bì chứa thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm...
Phương thức 3 Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất Tổ chức chứng nhận 03 năm 09 ~ 12 tháng
Phương thức 4 Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất và trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất Tổ chức chứng nhận 03 năm 09 ~ 12 tháng
Phương thức 5 Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất Tổ chức chứng nhận 03 năm 09 ~ 12 tháng
Phương thức 6 Đánh giá và giám sát hệ thống quản lý Không lấy mẫu 03 năm 09 ~ 12 tháng Hiếm gặp. Không phải thử nghiệm mẫu, chỉ quản lý quá trình sản xuất
Phương thức 7 Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa Tổ chức chứng nhận Hiệu lực cho 1 lô hàng Không áp dụng Không áp dụng Áp dụng cho các sản phẩm có khả năng gây mất an toàn cho còn người nhưng doanh nghiệp không đủ điều kiện để đánh giá nhà máy
Phương thức 8 Thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hóa Tổ chức chứng nhận hoặc doanh nghiệp Hiệu lực cho 1 lô hàng Không áp dụng Không áp dụng Hiếm gặp, chi phí rất cao khi nhập khẩu nhiều sản phẩm. Đối với sản phẩm nhập khẩu đơn chiếc thì quy định giống như phương thức 7

 

Phương thức chứng nhận hợp quy nào tốt nhất

Thông thường phương thức chứng nhận hợp quy áp dụng đối với sản phẩm cụ thể sẽ được quy định trong Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia. Trong đó phương thức 1, 5, 7 là được áp dụng phổ biến nhất và doanh nghiệp có thể được lựa chọn áp dụng 1 trong 3 phương thức này, tùy theo điều kiện và quy định có liên quan. Phương thức chứng nhận hợp quy có ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí chứng nhận hợp quy, cụ thể là chi phí sẽ cao hơn khi áp dụng phương thức 2 ~ 5 so với phương thức 1. Chi phí áp dụng theo phương thức 7 cũng sẽ rất cao nếu bạn có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhiều lần trong 3 năm tiếp theo. Do vậy việc lựa chọn phương thức chứng nhận hợp quy rất quan trọng. Tuy nhiên, việc áp dụng phương thức nào sẽ được cân nhắc dựa trên quy định của cơ quan quản lý nhà nước cũng như nhu cầu nhập khẩu của khách hàng.

Phương thức 1 : Là phương thức có chi phí tối ưu, thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy là dài nhất, tối đa lên tới 3 năm. ExtendMax luôn khuyến nghị khách hàng lựa chọn phương thức 1 khi đủ điều kiện

Phương thức 5 : Phù hợp khi sản phẩm không được áp dụng phương thức 1. Chúng tôi khuyến nghị áp dụng phương thức 5 khi bạn có nhu cầu nhập khẩu nhiều lô hàng trong thời gian 3 năm tiếp theo. Tuy nhiên, chi phí chứng nhận hợp quy phương thức 5 sẽ cao hơn do phải gánh thêm phí khách sạn, đi lại của chuyên gia đánh giá.

Phương thức 7 : Chỉ dùng khi bạn không áp dụng được phương thức 1 và có nhu cầu nhập khẩu ít hoặc chỉ nhập khẩu 1 lần. Bạn cũng có thể buộc phải áp dụng phương thức 7 khi không được nhà máy nước ngoài hỗ trợ tiếp đón chuyên gia đánh giá theo phương thức 5.

>>> Xem thêm: Hướng dẫn về chứng nhận hợp quy theo phương thức 7

Giấy chứng nhận hợp quy theo phương thức chứng nhận 7

Mẫu giấy chứng nhận hợp quy theo phương thức chứng nhận 7

 

Các tổ chức chứng nhận hợp quy được chấp nhận

Tổ chức chứng nhận hợp quy là tổ chức được cơ quan quản lý nhà nước chỉ định, thừa nhận, hoặc công nhận đủ năng lực thực hiện hoạt động chứng nhận hợp quy. Tiêu chuẩn tối thiểu của một tổ chức chứng nhận hợp quy là phải có một hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn IEC 17065 hoặc ISO 17065. Tổ chức chứng nhận hợp quy có thể là một cơ quan quản lý nhà nước hoặc một doanh nghiệp, hoặc một tổ chức quốc tế.

Các quốc gia Tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định Tổ chức chứng nhận hợp quy được công nhận hoặc thừa nhận (bên thứ 3) Cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp chứng nhận
Việt Nam

Áp dụng phổ biến nhất. Thường là các đơn vị sự nghiệp nhà nước và một số công ty tư nhân. Ví dụ về Tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định bao gồm:

  • Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông
  • Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (Quatest 1)
  • Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3)
Chỉ áp dụng đối với một số bộ chủ quản, số lượng hạn chế. 

Các tổ chức chứng nhận hợp quy được biết đến nhiều nhất bao gồm:

  • Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (Quatest 1)
  • Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3)
  •  Trung tâm chứng nhận phù hợp (Quacert)
  • Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacontrol
Không phổ biến, nhưng vẫn có cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp chứng nhận hợp quy như Cục Đăng Kiểm
Liên minh Châu Âu (CE) Hiếm gặp

Áp dụng phổ biến nhất. Thường là các tổ chức chứng nhận quốc tế uy tín như UL, TUV SUD, TUV Nord, Intertek, SGS...

Các tổ chức chứng nhận hợp quy này cũng đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn về chứng nhận hợp quy quốc tế như ExtendMax

Hiếm gặp
Hoa Kỳ (FCC, FDA...) Hiếm gặp Hiếm gặp
Một số nước trên thế giới Hiếm gặp Thiếu thông tin

 

Quy định về dấu hợp quy CR và cách sử dụng

Dấu hợp quy là dấu hiệu thể hiện sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và được phép lưu hành ra thị trường. Mẫu dấu hợp quy (còn được gọi là dấu CR, tem hợp quy) có kích thước, hình dạng và màu sắc quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.

Bộ TT&TT có quy định riêng về dấu hợp quy áp dụng đối với sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin. Dấu hợp quy của Bộ TT&TT (còn được gọi là dấu hợp quy ICT hoặc tem hợp quy ICT) có kích thước, hình dạng và màu sắc quy định tại Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT

Sau khi sản phẩm được chứng nhận hợp quy, doanh nghiệp phải dán tem hợp quy lên bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc in trên tem mác của hàng hóa trước khi lưu hành ra thị trường

>>> Bạn cần biết: Hướng dẫn ghi nhãn và dán tem hợp quy đối với sản phẩm điện tử

 

Các thách thức thường gặp trong chứng nhận hợp quy

Chi phí chứng nhận hợp quy cao

Chi phí chứng nhận hợp quy luôn là thách thức lớn nhất, đặc biệt khi bạn cần xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường quản lý nghiêm ngặt về chất lượng như FCC, CE. Phí thử nghiệm thông thường rất cao, các doanh nghiệp nhỏ khó đáp ứng được. Chi phí chứng nhận hợp quy không chỉ bao gồm phí cho các phòng thử nghiệm, cơ quan chứng nhận mà còn có chi phí liên quan đến quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm và thường xuyên duy trì chất lượng để đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn.

>>> Xem thêm: Chi phí chứng nhận hợp quy điện thoại 5G

Các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên tục được cập nhật

Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chứng nhận hợp quy có thể được các cơ quan quản lý nhà nước thay đổi theo thời gian, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục cập nhật và điều chỉnh quy trình sản xuất của mình để phù hợp. Việc này có thể gây ra áp lực về mặt thời gian và tài chính, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hiểu biết về quy định pháp luật và kỹ thuật chuyên ngành

Mỗi Bộ chủ quản có những quy định khác nhau về việc chứng nhận hợp quy, việc tìm hiểu chi tiết về quy định của từng quốc gia là vô cùng khó khăn đối với doanh nghiệp. Đặc biệt là đối với các sản phẩm chuyên ngành kỹ thuật như thiết bị thu phát sóng, CNTT hoặc các sản phẩm mật mã dân sự, an toàn thông tin mạng. Trong trường hợp đó, bạn cần một tổ chức tư vấn chuyên nghiệp đồng hành cùng để hỗ trợ bạn.

Tìm kiếm và lựa chọn tổ chức chứng nhận hợp quy phù hợp

Mỗi cơ quan chứng nhận hợp quy có thể có những chuyên môn, tiêu chuẩn và phương thức chứng nhận khác nhau. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo rằng họ lựa chọn được đơn vị chứng nhận có khả năng đáp ứng nhu cầu cụ thể của sản phẩm và doanh nghiệp.

Giải pháp nào cho các thách thức ngày càng lớn

Để giải quyết các thách thức trên, biện pháp hữu hiệu nhất là tìm kiếm một đơn vị tư vấn có uy tín và năng lực cao để đồng hành cùng doanh nghiệp trong thủ tục chứng nhận hợp quy. Nhà cung cấp địa phương sẽ giúp bạn vượt qua các thách thức về rào cản ngôn ngữ và văn hóa, giúp bạn luôn cập nhật các quy định mới nhất, và hỗ trợ giao tiếp hiệu quả với các tổ chức chứng nhận hợp quy. Đối với thị trường Việt Nam, ExtendMax, bằng năng lực và uy tín của mình, đã và đang là lựa chọn đáng tin cậy của các hãng sản xuất và các công ty nhập khẩu. Hiện nay chúng tôi đang là nhà cung cấp cho các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Amazon, Microsoft, Lenovo, Dell...

ExtedMax là công ty tư vấn chuyên nghiệp và có uy tín cao về chứng nhận hợp quy ở Việt Nam

ExtendMax là công ty uy tín hàng đầu với hơn 10 năm kinh nghiệm về tư vấn chứng nhận hợp quy ở Việt Nam

 

So sánh chứng nhận hợp quy ở Việt Nam và các quốc gia khác

Trên thế giới, các nước chia thành 2 nhóm chính: theo quy định của EU hoặc theo quy định của Hoa Kỳ. Phần lớn các nước trực tiếp chấp nhận kết quả chứng nhận CE của Châu Âu hoặc FCC, FDA của Hoa Kỳ. Phương thức chứng nhận hợp quy phổ biến nhất là phương thức 1, phương thức 5.

Ở Việt Nam, các phương thức chứng nhận hợp quy được áp dụng thông thường là phương thức 1, phương thức 5 và phương thức 7. Tùy theo tính chất của sản phẩm hàng hóa mà các bộ ban ngành chủ quản có quy định về các phương thức áp dụng khác nhau. Dưới đây là một số ví dụ điển hình:

Các quốc gia Phương thức 1 Phương thức 4 Phương thức 5 Phương thức 7
Việt Nam
  • Bộ Khoa học và Công nghệ
Áp dụng cho các sản phẩm hoặc tính năng ít gây mất an toàn cho con người Không áp dụng Áp dụng cho các sản phẩm, tính năng có nguy cơ gây mất an toàn cho con người, thường là sản phẩm điện gia dụng Cho các trường hợp không đủ điều kiện áp dụng phương thức 5
  • Bộ Y tế
Áp dụng phổ biến nhất Không áp dụng Áp dụng tự nguyện đối với phần lớn sản phẩm Không áp dụng
  • Bộ Thông tin và Truyền thông
Áp dụng phổ biến nhất Không áp dụng Áp dụng khi dây chuyền sản xuất chưa được chứng nhận ISO 9001 hoặc tương đương Cho các trường hợp không đủ điều kiện chứng nhận hợp quy theo phương thức 1 và phương thức 5
  • Bộ Giao thông vận tải
Ít áp dụng Áp dụng đối với thiết bị giám sát hành trình nhập khẩu Áp dụng cho các sản phẩm, tính năng có nguy cơ gây mất an toàn cho con người, thường là linh kiện ô tô, xe máy. Cho các trường hợp không đủ điều kiện chứng nhận theo phương thức 1 và phương thức 5
  • Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Ít áp dụng Không áp dụng Áp dụng phổ biến đối với hàng hóa sản xuất trong nước Áp dụng phổ biến đối với hàng hóa nhập khẩu
  • Bộ công thương
Áp dụng phổ biến nhất Không áp dụng Ít áp dụng Ít áp dụng
Liên minh Châu Âu (CE) Áp dụng phổ biến nhất. Chứng nhận hợp quy thường là tự nguyện, chỉ bắt buộc công bố hợp quy Không áp dụng Ít áp dụng. Chỉ áp dụng đối với các sản phẩm có khả năng trực tiếp gây mất an toàn cho con người Hiếm gặp. Không áp dụng đối với thiết bị công nghệ thông tin
Hoa Kỳ (FCC, FDA...) Áp dụng phổ biến nhất. Không áp dụng Ít áp dụng. Chỉ áp dụng đối với các sản phẩm có khả năng trực tiếp gây mất an toàn cho con người Hiếm gặp. Không áp dụng đối với thiết bị công nghệ thông tin
Giấy chứng nhận hợp quy SIRIM của Malaysia

Mẫu giấy chứng nhận hợp quy SIRIM của Malaysia

 

Tương lai và xu hướng của chứng nhận hợp quy

Tương lai của chứng nhận hợp quy đang hướng tới việc tích hợp mạnh mẽ công nghệ số và tự động hóa để làm cho quá trình này nhanh chóng và hiệu quả hơn. Điều này không chỉ tăng cường khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp nhỏ mà còn cải thiện độ tin cậy và minh bạch của quá trình chứng nhận. Ngoài ra, sự phát triển của các thị trường mới và các quy định môi trường nghiêm ngặt hơn cũng thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ chứng nhận hợp quy mới, đặc biệt là trong các ngành như năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.

Đối với Việt Nam, xu hướng của thị trường chứng nhận hợp quy sẽ là nơi cạnh tranh lành mạnh của các tổ chức chứng nhận hợp quy nhà nước, các công ty tư nhân và các tổ chức chứng nhận có vốn đầu tư nước ngoài. Mọi hoạt động về chứng nhận hợp quy sẽ được đưa lên môi trường số hóa, cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao tính minh bạch và rút ngắn thời gian để đạt được giấy chứng nhận hợp quy.

Xu hướng số hóa trong dịch vụ chứng nhận hợp quy

Xu hướng số hóa trong dịch vụ chứng nhận hợp quy

 

Câu hỏi thường gặp về chứng nhận hợp quy

Bạn hỏi: Làm thế nào để tôi biết sản phẩm có thuộc danh mục bắt buộc phải chứng nhận hợp quy hay không?

ExtendMax trả lời: Việt Nam cũng như phần lớn các quốc gia trên thế giới căn cứ vào mã HS và mô tả sản phẩm để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Do vậy bạn chỉ cần đối chiếu mã HS và mô tả hàng hóa xem có thuộc danh mục sản phẩm phải chứng nhận hợp quy của nước sở tại hay không. Nếu không chắc chắn thì bạn nên tìm kiếm một công ty tư vấn chuyên nghiệp về chứng nhận hợp quy như UL, TUV, ExtendMax...

 

Bạn hỏi: Tôi có thể tự lựa chọn phương thức chứng nhận hợp quy không?

ExtendMax trả lời: Thông thường các cơ quan quản lý nhà nước có quy định về các phương thức chứng nhận hợp quy được lựa chọn, hoặc áp dụng. Phương thức chứng nhận hợp quy này được trực tiếp ấn định trong các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng áp dụng cho sản phẩm, hoặc trong các văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện (Nghị Định, Thông tư, Quyết định của Thủ tướng...). Bạn chỉ được lựa chọn khi cơ quan quản lý nhà nước cho phép áp dụng 2 phương thức hoặc nhiều hơn đối với cùng một sản phẩm.

 

Bạn hỏi: Giấy chứng nhận hợp quy quốc tế ví dụ như CE, FCC, CCIC, UL, TUV... có được sử dụng ở Việt Nam không?

ExtendMax trả lời: Các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn IECEE hoặc ETSI nhưng có thể có một số khác biệt nhỏ so với phiên bản gốc. Đồng thời, căn cứ theo Nghị định 107/2016/NĐ-CP của Chính phủ, các tổ chức nước ngoài (không có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam) không thỏa mãn điều kiện để cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp tại Việt Nam. Do vậy các giấy chứng nhận hợp quy nước ngoài chưa được trực tiếp chấp nhận ở Việt Nam.

 

Bạn hỏi: Giấy chứng nhận hợp quy ở Việt Nam có được các nước khác trên thế giới chấp nhận không?

ExtendMax trả lời: Rất đáng tiếc các giấy chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật QCVN của Việt Nam chưa được nước ngoài thừa nhận. Tuy nhiên, bạn có thể liên hệ các tổ chức chứng nhận quốc tế để được chứng nhận hợp quy theo tiêu chuẩn quốc tế và có thể sử dụng ở một số quốc gia khác.

 

Bạn hỏi: Vì sao chi phí thử nghiệm chứng nhận hợp quy thiết bị thu phát sóng lại cao vậy?

ExtendMax trả lời: Các quy chuẩn kỹ thuật đối với thiết bị công nghệ thông tin thường đòi hỏi cơ sở vật chất hiện đại, các thiết bị đo kiểm đắt tiền, thời gian thử nghiệm kéo dài. Do vậy chi phí thử nghiệm các thiết bị công nghệ thông tin cao hơn nhiều lần những loại sản phẩm khác. Một số quy chuẩn kỹ thuật thậm chí có phí thử nghiệm nhiều tỷ đồng.

 

Theo dõi ExtendMax qua FB FanPage hoặc LinkedIn để được cập nhật những thông tin mới nhất

Hãy để lại bình luận và chia sẻ bài viết nếu bạn thấy nó hữu ích trong công việc

↓ ↓ ↓ ↓ ↓ ↓ ↓

Trần Thanh Phương
Trần Thanh Phương

Tôi là Trần Thanh Phương, một luật gia chuyên về Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn Thông tin mạng, Luật Hải quan, Luật Quản lý ngoại thương. Tôi là chuyên gia tư vấn được các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Amazon, Cisco, HPE, Arista, Palo Alto, Lenovo... tín nhiệm trong lĩnh vực tư vấn về thủ tục xuất nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin vào Việt Nam.

Khách hàng đánh giá
5.0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Đánh giá và nhận xét

Gửi nhận xét của bạn

      Bình luận
      Gửi bình luận
      Bình luận
        Tin tức mới
        Liên hệ ngay

        CÔNG TY TNHH EXTENDMAX VIỆT NAM

        MSDN: 0106943741

        Email: consultant@extendmax.vn

        Hotline: 0915 836 555 | Hà Nội: 024 6666 3066

        Hotline tư vấn Mật mã Dân sự: 0915 836 555

        DKKD:P903, tầng 9, tháp A, tòa nhà tổ hợp Sky City Tower, 88 Láng Hạ, P. Láng Hạ, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội, Việt Nam

        Head Office: Biệt thự ExtendMax, C01-L18 An Vượng, KĐT Dương Nội, P. Dương Nội, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội, Việt Nam

        Test laboratory: Biệt thự BT02-21, Khu ĐT An Hưng, Tố Hữu, P. La Khê, Q. Hà Đông, Hà Nội