Hướng dẫn Chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 - Chứng nhận theo lô hàng

Hướng dẫn chi tiết cách thực hiện chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 cho từng lô hàng của doanh nghiệp.

Trong quá trình tư vấn cho doanh nghiệp, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi thắc mắc về chứng nhận hợp quy theo phương thức 7. Trên thực tế, cũng đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện việc chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 không đúng quy trình dẫn tới việc kết quả thử nghiệm không được chấp nhận để đánh giá chứng nhận hợp quy. Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn một cái nhìn tổng quan và đi sâu vào từng chi tiết về định nghĩa, quy trình, các lợi ích và hạn chế của chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 cũng như các điều cần lưu ý.

Trần Thanh Phương - Chuyên gia đầu ngành về Chứng nhận hợp quy, Công bố hợp quy

CEO ExtendMax - Trần Thanh Phương - Chuyên gia đầu ngành về Chứng nhận hợp chuẩn hợp quy

Định nghĩa chứng nhận hợp quy theo phương thức 7

Căn cứ theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN về quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và các phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ta có thể đưa ra định nghĩa về chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 (hay còn gọi là chứng nhận theo lô) như sau:

Chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 là phương thức đánh giá sự phù hợp dựa trên cơ sở thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa. Mẫu sản phẩm, hàng hóa được lấy theo phương pháp xác suất thống kê cho lô sản phẩm, hàng hóa để ra kết luận về sự phù hợp của lô. Kết luận về sự phù hợp chỉ có giá trị cho lô sản phẩm, hàng hóa cụ thể và không cần thực hiện các biện pháp giám sát tiếp theo.

 

>>> Xem thêm: Tổng quan về chứng nhận hợp quy và các phương thức chứng nhận

Định nghĩa về lô sản phẩm, hàng hóa

Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT định nghĩa "lô sản phẩm là tập hợp một chủng loại hàng hóa được xác định về số lượng, có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật, của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ và thuộc cùng một bộ hồ sơ nhập khẩu".

Tuy nhiên, theo quan điểm của ExtendMax:

  • Việc chứng nhận theo lô có thể áp dụng đối với cả các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước (không có bộ hồ sơ nhập khẩu).
  • Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa có định nghĩa riêng về "sản phẩm" và "hàng hóa". Cũng căn cứ theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, sản phẩm có thể không phải là hàng hóa.

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa số 05/2007/QH12 dịnh nghĩa về sản phẩm, hàng hóa như sau:

"Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sản phẩm là kết quả của quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc tiêu dùng.

2. Hàng hóa là sản phẩm được đưa vào thị trường, tiêu dùng thông qua trao đổi, mua bán, tiếp thị."

Theo định nghĩa nêu trên, "hàng hóa" luôn luôn là "sản phẩm", nhưng sản phẩm trong một số trường hợp lại không phải là hàng hóa. Do vậy, chúng tôi định nghĩa về lô sản phẩm, hàng hóa như sau:

Lô sản phẩm là tập hợp một chủng loại sản phẩm được xác định về số lượng, có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật, của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ.

 

Lợi ích của chứng nhận hợp quy theo phương thức 7

Chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 thường áp dụng cho nhiều loại sản phẩm khác nhau, đặc biệt là những sản phẩm, hàng hóa có yêu cầu kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt và an toàn cao. Chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trên khía cạnh được sử dụng các sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng và an toàn. Đồng thời chứng nhận theo lô cũng mang lại lợi ích cho cơ quan quản lý nhà nước ở khía cạnh dễ thực hiện quản lý sản phẩm nhập khẩu và sản xuất trong nước.

>>> Bạn cần biết: Thủ tục nhập khẩu quạt điện và chứng nhận hợp quy theo phương thức 7

Hạn chế của chứng nhận hợp quy theo phương thức 7

Do sản phẩm hàng hóa phải được chứng nhận theo từng lô, chi phí thực hiện việc thử nghiệm và chứng nhận hợp quy có thể trở thành gánh nặng của doanh nghiệp nhập khẩu. Đồng thời, chi phí chứng nhận cũng được phân bổ vào giá bán của hàng hóa dẫn tới giá cả tăng cao.

Trong một số trường hợp, đặc biệt là đối với hàng hóa ICT, chi phí thử nghiệm và chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 có thể cao hơn cả giá trị nhập khẩu của lô hàng.

 

Các sản phẩm, hàng hóa áp dụng chứng nhận hợp quy theo lô

Chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 được áp dụng rộng rãi đối với nhiều ngành hàng, đặc biệt là đối với những loại sản phẩm, hàng hóa yêu cầu độ an toàn cao. Dưới đây là chi tiết về một số loại sản phẩm thực hiện chứng nhận hợp quy theo phương thức 7:

Ngành hàng Bộ chủ quản Phương thức chứng nhận thay thế Ghi chú
Đồ chơi trẻ em Bộ Khoa học và Công nghệ Phương thức 5  
Thiết bị điện tử, điện gia dụng Bộ Khoa học và Công nghệ Phương thức 5  
Pin Lithium dùng cho xe máy, xe đạp điện Bộ Giao thông Vận tải Phương thức 5  
Thiết bị giám sát hành trình nhập khẩu Bộ Giao thông Vận tải Phương thức 4 Chỉ áp dụng Phương thức 4 đối với hàng hóa sản xuất trong nước
Thiết bị bảo hộ lao động Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phương thức 5  
Sắt và thép hợp kim  Bộ Khoa học và Công nghệ Phương thức 5  
Thiết bị vô tuyến, công nghệ thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông Phương thức 1, Phương thức 5

Chỉ được áp dụng phương thức 1 để thay thế khi hãng sản xuất có giấy chứng nhận ISO 9001

Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông chưa áp dụng phương thức 5 đối với sản phẩm hàng hóa nhập khẩu

 

Mẫu giấy chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 của Bộ TT&TT

Mẫu giấy chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 của Bộ TT&TT

 

Quy trình thực hiện chứng nhận hợp quy theo phương thức 7

Bước 1: Đánh giá sự đồng nhất của lô hàng

Tổ chức chứng nhận hợp quy kiểm tra thực tế để đánh giá sự đồng nhất của lô hàng. Trên thực tế, bước này có thể sẽ được tổ chức chứng nhận sự phù hợp quyết định thực hiện hoặc không thực hiện.

Bước 2: Lấy mẫu thử nghiệm

  • Mẫu thử nghiệm được tổ chức chứng nhận hợp quy lấy theo phương pháp xác suất thống kê nhằm đảm bảo tính đại diện cho toàn bộ lô hàng. 
  • Số lượng mẫu phải đủ cho việc tiến hành thử nghiệm và lưu mẫu. Tùy theo đặc điểm, kích thước của sản phẩm và các chỉ tiêu cần thử nghiệm mà số lượng mẫu thử có thể là 1 hoặc nhiều hơn

Bước 3: Đánh giá sự phù hợp của mẫu thử nghiệm

Mẫu hàng hóa, sản phẩm được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm đã được chỉ định, hoặc đã đăng ký lĩnh vực theo hoạt động thử nghiệm theo quy định của pháp luật, hoặc được thừa nhận theo các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA). Loại hình phòng thử nghiệm được chấp nhận để thử nghiệm sẽ được quy định bởi bộ chủ quản của từng ngành hàng hóa nhóm 2. 

Các chỉ tiêu thử nghiệm về tính năng, tính an toàn, độ tin cậy của sản phẩm, hàng hóa  được tiến hành theo các giới hạn và phương pháp thử quy định trong quy chuẩn kỹ thuật.

Bước 4: Đánh giá sự phù hợp

Trên cơ sở kết quả thử nghiệm mẫu và các hồ sơ của lô hàng kèm theo, tổ chức chứng đánh giá sự phù hợp tiến hành xem xét, đánh giá các đặc tính của các sản phẩm, hàng hóa này đối chiếu với tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Bước 5: Kết luận về sự phù hợp

  • Nếu số lượng mẫu thử nghiệm có kết quả không phù hợp nằm trong giới hạn cho phép thì lô hàng hóa, sản phẩm đó được xem là phù hợp với quy định và không được cấp giấy chứng nhận hợp quy.
  • Nếu số lượng mẫu thử nghiệm có kết quả phù hợp với giới hạn cho phép trong tiêu chuẩn, quy chuẩn thì lô hàng hóa, sản phẩm đó được xem là phù hợp với quy định. Tổ chức chứng nhận sẽ cấp giấy chứng nhận hợp quy cho lô hàng

>>> Xem thêm: Chuyên sâu về kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu

 

Hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy theo phương thức 7

Kết quả thử nghiệm và chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 chỉ có hiệu lực đối với lô sản phẩm, hàng hóa. Nếu doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu lô sản phẩm, hàng hóa khác thì sẽ phải thực hiện chứng nhận hợp quy lại cho lô mới

Mẫu giấy chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 của Bộ KHCN

Mẫu giấy chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 của sản phẩm Bộ KHCN quản lý

 

Các lưu ý khi thực hiện chứng nhận hợp quy theo lô hàng

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cần chú ý các điều sau khi chứng nhận hợp quy theo phương thức 7:

  • Thông thường, việc lấy mẫu sẽ do tổ chức chứng nhận hợp quy thực hiện. Doanh nghiệp không được tự lấy mẫu
  • Việc thử nghiệm phải được thực hiện trên mẫu do tổ chức chứng nhận hợp quy lựa chọn, có niêm phong của tổ chức chứng nhận hợp quy
  • Kết quả thử nghiệm thực hiện trên mẫu không có niêm phong của tổ chức chứng nhận hợp quy, sẽ không được chấp nhận để chứng nhận
Tem niêm phong mẫu thử nghiệm để chứng nhận hợp quy theo phương thức 7

Tem niêm phong mẫu thử nghiệm của Quacert để  phục vụ chứng nhận hợp quy theo phương thức 7

 

Xu hướng áp dụng chứng nhận hợp quy theo phương thức 7

Hiện nay việc áp dụng chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 không có xu hướng tăng lên cả trên thế giới cũng như Việt Nam. Sở dĩ có điều đó là do xu hướng dịch chuyển trong việc quản lý nhà nước ở các quốc gia để tạo hành lang thông thoáng cho việc kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Nhiều quốc gia dịch chuyển việc áp dụng chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 sang áp dụng phương thức 1 và phương thức 5, kèm theo việc tăng cường quản lý giám sát của nhà nước ở khâu hậu kiểm.

Tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ là một trong những đơn vị tiên phong đưa ra dự thảo quy chuẩn kỹ thuật, chuyển một số lượng lớn các sản phẩm từ áp dụng chứng nhận hợp quy phương thức 7 sang áp dụng chứng nhận hợp quy phương thức 1.

Trần Thanh Phương
Trần Thanh Phương

Tôi là Trần Thanh Phương, một luật gia chuyên về Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn Thông tin mạng, Luật Hải quan, Luật Quản lý ngoại thương. Tôi là chuyên gia tư vấn được các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Amazon, Cisco, HPE, Arista, Palo Alto, Lenovo... tín nhiệm trong lĩnh vực tư vấn về thủ tục xuất nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin vào Việt Nam.

Khách hàng đánh giá
5.0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Đánh giá và nhận xét

Gửi nhận xét của bạn

      Bình luận
      Gửi bình luận
      Bình luận
        Tin tức mới
        Liên hệ ngay

        CÔNG TY TNHH EXTENDMAX VIỆT NAM

        MSDN: 0106943741

        Email: consultant@extendmax.vn

        Hotline: 0915 836 555 | Hà Nội: 024 6666 3066

        Hotline tư vấn Mật mã Dân sự: 0915 836 555

        DKKD:P903, tầng 9, tháp A, tòa nhà tổ hợp Sky City Tower, 88 Láng Hạ, P. Láng Hạ, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội, Việt Nam

        Head Office: Biệt thự ExtendMax, C01-L18 An Vượng, KĐT Dương Nội, P. Dương Nội, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội, Việt Nam

        Test laboratory: Biệt thự BT02-21, Khu ĐT An Hưng, Tố Hữu, P. La Khê, Q. Hà Đông, Hà Nội