EXTENDMAX – 30/12/2025 – Việc hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) và Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KHCN) trong năm 2025 là một chủ đề thu hút sự quan tâm rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp và các hãng sản xuất thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông trong thời gian vừa qua. Đây là một sự thay đổi vĩ mô dự kiến có ảnh hưởng lớn đến các chính sách, các quy định cơ bản trong thực hiện các thủ tục kiểm tra chất lượng, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy sản phẩm CNTT. Trong bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ dự đoán của ExtendMax về các thay đổi trong chính sách quản lý nhà nước và lộ trình dự kiến để doanh nghiệp tham khảo và chủ động trong kế hoạch sản xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Bối cảnh hợp nhất Bộ TT&TT và Bộ KHCN
Ngày 06/12/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành văn bản số 141/KH-BCĐTKNQ18 của Ban Chỉ đạo việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ định hướng duy trì 8 bộ và cơ quan ngang bộ (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong) đồng thời sắp xếp để hợp nhất 14 bộ, cơ quan ngang bộ. Việc hợp nhất này nhằm tinh giản bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, và tạo sự thống nhất trong việc xây dựng và thực thi chính sách. Thông tin sáp nhập Bộ TT&TT và Bộ KHCN là một chủ đề được cộng đồng hãng sản xuất nước ngoài và các công ty nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm công nghệ thông tin đặc biệt chú ý theo dõi .
Bộ TT&TT và Bộ KHCN đều có vai trò quan trọng trong việc quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chứng nhận hợp quy cho các sản phẩm công nghệ thông tin, truyền thông và các thiết bị khoa học công nghệ với hệ thống văn bản pháp luật có đôi nét khác nhau. Dự kiến sự hợp nhất này sẽ có tác động mạnh mẽ đến hệ thống quản lý nhà nước đối với sản phẩm CNTT theo hướng tích cực.
Tên gọi và cấu tổ chức sau hợp nhất
Hiện tại Bộ Thông tin và Truyền thông có 26 đơn vị chức năng, Bộ Khoa học và Công nghệ có 22 đơn vị chức năng. Dự kiến sau khi thực hiện sáp nhập, số lượng đơn vị của bộ mới sẽ giảm xuống còn 34.
Liên quan đến tên gọi của 2 Bộ sau hợp nhất, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gợi mở cần đặt tên gọi dễ nhớ, gọn, có ý nghĩa, có sức sống lâu bền để xây dựng thành thương hiệu. Phó Thủ tướng cũng gợi ý tên mới là “Bộ Công nghệ và Truyền thông” hoặc “Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông”.
Tái cấu trúc các cơ quan và đơn vị chức năng
Căn cứ theo thông tin chia sẻ trên các phương tiện truyền thông chính thống của Chính phủ, các đơn vị chức năng có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp sẽ được hợp nhất và tinh giản. Chúng tôi dự đoán một số thay đổi về việc tái cấu trúc sau hợp nhất Bộ TT&TT và Bộ KHCN như sau:
Các đơn vị trùng lặp về chức năng nhiệm vụ mà ExtendMax dự kiến sẽ được sáp nhập
-
Dự kiến hợp nhất Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ TT&TT và Bộ KHCN
-
Dự kiến sáp nhập Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ TT&TT và Bộ KHCN
-
Dự kiến hợp nhất Vụ Pháp chế của Bộ TT&TT và Bộ KHCN
-
Dự kiến sáp nhập Thanh tra Bộ của Bộ TT&TT và Bộ KHCN
-
Dự kiến hợp nhất Văn phòng Bộ của Bộ TT&TT và Bộ KHCN
-
Vụ Khoa học và Công nghệ hợp nhất với Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật
Các đơn vị giao thoa một phần về chức năng nhiệm vụ hoặc có tính chất gần tương đồng về chức năng nhiệm vụ có thể sẽ được sáp nhập hoặc tinh giản:
-
Cục Thông tin Cơ sở, Cục Thông tin Đối ngoại của Bộ TT&TT, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia của Bộ KHCN
-
Cục Báo chí, Cục Xuất bản In và Phát hành của Bộ TT&TT
Ảnh hưởng của việc hợp nhất đến chứng nhận hợp quy ICT
Chúng tôi dự kiến việc hợp nhất Bộ TT&TT và Bộ KHCN sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc đến các quy định về kiểm tra chất lượng nhà nước và chứng nhận hợp quy ICT theo hướng tích cực. Hiện tại Bộ KHCN đang nắm vai trò chủ đạo trong việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, chính sách quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy. Do vậy, ExtendMax cho rằng các thay đổi về chính sách sẽ theo hướng mang phong cách chủ đạo của Bộ KHCN hiện tại. Một số nội dung chính về quy định, chính sách sau hợp nhất được ExtendMax dự đoán như sau:
Chuyển đổi các QCVN của Bộ TT&TT thành TCVN
Hiện tại Bộ TT&TT là Bộ có số lượng quy chuẩn hàng đầu về Quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành trong số các Bộ chủ quản với số lượng 132 QCVN. Tuy nhiên, trong số đó nhiều QCVN không được áp dụng trong kiểm tra chất lượng, được tạm ngừng áp dụng toàn bộ hoặc một phần. Đồng thời, có nhiều quy chuẩn kỹ thuật thiên về quản lý “tính năng” hơn là quản lý “sản phẩm”, thiếu tên gọi định danh và mã HS code.
Việc hợp nhất Bộ TT&TT với Bộ KHCN sẽ là một cơ hội để tái cấu trúc lại hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực viễn thông CNTT. Đây cũng là thời cơ để lọc bớt những quy chuẩn kỹ thuật không còn phù hợp và hệ thống hóa lại các quy chuẩn cho phù hợp với Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn Kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa hiện hành.
Thống nhất quy định về chứng nhận hợp quy
Dự kiến sau hợp nhất, các yếu tố còn khác biệt trong nguyên tắc chứng nhận hợp quy như yêu cầu về giấy chứng nhận hệ thống quản lý sản xuất ISO 9001, yêu cầu đánh giá nhà máy đối với phương thức chứng nhận 1 dự kiến sẽ được loại bỏ. Việc chứng nhận hợp quy các sản phẩm vô tuyến, viễn thông, CNTT sẽ được áp dụng nguyên bản các phương thức chứng nhận phù hợp quy định trong Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.
Ngừng sử dụng dấu hợp quy ICT
Hiện nay Bộ TT&TT là Bộ duy nhất quy định dấu hợp quy ICT có khác biệt nhỏ so với dấu hợp quy CR của Bộ KHCN. Sau hợp nhất, chúng tôi dự kiến Bộ mới sẽ sử dụng dấu hợp quy CR cho các thiết bị vô tuyến, viễn thông, CNTT. Dấu hợp quy ICT sẽ không còn tiếp tục được sử dụng, trên thị trường Việt Nam các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 của tất cả các Bộ chủ quản khác nhau sẽ chỉ sử dụng dấu hợp quy CR.
Đăng ký KTCL và CBHQ qua cổng dịch vụ công
Hiện tại cổng Dịch vụ công của Cục Viễn thông vẫn chưa hoàn toàn tích hợp với hệ thống hải quan, các doanh nghiệp vẫn phải nộp hồ sơ giấy để làm thủ tục thông quan hàng hóa nhóm 2 của Bộ TT&TT. Dự kiến sau sáp nhập, việc thực hiện đăng ký kiểm tra chất lượng và công bố hợp quy cho các thiết bị vô tuyến, viễn thông, CNTT nhập khẩu sẽ hoàn toàn được thực hiện trực tuyến. Qua đó, chúng tôi đánh giá đây sẽ là một bước cải thiện đáng kể thời gian thông quan và sự minh bạch trong việc thực hiện đăng ký kiểm tra chất lượng nói chung.
Chuyển việc quản lý KTCL, CBHQ về địa phương
Hiện tại Cục Viễn thông đang giữ vai trò cơ quan quản lý nhà nước và tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, hồ sơ công bố hợp quy các sản phẩm vô tuyến, viễn thông, CNTT. Trong khi đó, chức năng nhiệm vụ tương tự của Bộ KHCN đã được ủy quyền và chuyển giao cho các Chi cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại từng địa phương. Do vậy, chúng tôi dự kiến sau hợp nhất vai trò tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, hồ sơ công bố hợp quy các sản phẩm vô tuyến, viễn thông, CNTT cũng sẽ được ủy quyền và chuyển giao về cấp địa phương.
Gia tăng số lượng tổ chức chứng nhận
Hiện tại Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông là tổ chức chứng nhận duy nhất được Bộ TT&TT chỉ định chứng nhận hợp quy cho các thiết bị vô tuyến, viễn thông, CNTT.
Sau hợp nhất, chúng tôi dự kiến các Tổ chức chứng nhận phù hợp của Bộ KHCN có bề dày lịch sử và năng lực kinh nghiệm xuất sắc như Quacert, Quatest 3, Quatest 1 sẽ nhanh chóng tham gia cung cấp dịch vụ chứng nhận hợp quy sản phẩm ICT.
Với đà chuyển đổi mạnh mẽ trong thủ tục hành chính, thậm chí các tổ chức chứng nhận tư nhân và tổ chức chứng nhận nước ngoài cũng sẽ nhanh chóng tham gia vào lĩnh vực này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được lựa chọn dịch vụ tốt hơn, nhanh chóng hơn.
Lộ trình hợp nhất và thay đổi chính sách
Dự kiến việc hợp nhất Bộ TT&TT và Bộ KHCN sẽ hoàn tất về mặt tổ chức vào cuối Quý 1 năm 2025, các thay đổi về mặt chính sách sẽ được ban hành trong giai đoạn sau hợp nhất vào Quý 2 năm 2025.
Thông tin chính thức về việc hợp nhất và các văn bản chính sách mới sẽ được công bố trên các phương tiện truyền thông của nhà nước trong thời gian sắp tới.
Hướng dẫn cho doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi
Để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, doanh nghiệp cần chú ý theo dõi các thông báo chính thức từ cơ quan quản lý nhà nước để nắm bắt kịp thời các thay đổi liên quan đến thủ tục chứng nhận hợp quy. Việc hợp tác với các công ty tư vấn chuyên nghiệp như ExtendMax sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ, chủ động và có thể thực hiện đúng các yêu cầu pháp lý trong giai đoạn chuyển tiếp.
Cùng theo dõi ExtendMax qua FB FanPage hoặc LinkedIn để được cập nhật những thông tin mới nhất
Hãy để lại bình luận và chia sẻ bài viết nếu bạn thấy nó hữu ích trong công việc
↓ ↓ ↓ ↓ ↓ ↓ ↓