EXTENDMAX – Theo quy định của Bộ TT&TT tại Thông tư quy định danh mục hàng hóa nhóm 2 phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy, tất cả các sản phẩm liệt kê trong Phụ lục 1 và Phụ lục 2 của thông tư đã nêu phải tiến hành thủ tục Công bố hợp quy, dán nhãn hợp quy (tem hợp quy) ICT trước khi lưu hành ra thị trường. Đối với sản phẩm nhập khẩu, doanh nghiệp làm thủ tục công bố hợp quy theo quy trình áp dụng đối với sản phẩm hàng hóa nhập khẩu, thông qua quá trình đăng ký kiểm tra chất lượng và tự đánh giá sự phù hợp. Đối với sản phẩm sản xuất trong nước, doanh nghiệp làm thủ tục công bố hợp quy theo quy trình như đã áp dụng từ trước năm 2017. Thủ tục công bố hợp quy là một thủ tục bắt buộc phải thực hiện khi nhập khẩu các thiết bị thu phát sóng, công nghệ thông tin
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu sâu về các quy trình, thủ tục, tài liệu cần thiết để công bố hợp quy cho các sản phẩm công nghệ thông tin, vô tuyến, viễn thông
Công bố hợp quy là gì
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 24 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12:
"Điều 24. Công bố sự phù hợp
1. Người sản xuất thông báo sản phẩm của mình phù hợp với tiêu chuẩn (sau đây gọi là công bố hợp chuẩn) hoặc với quy chuẩn kỹ thuật (sau đây gọi là công bố hợp quy).
2. Việc công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật."
Mặc dù Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12 năm 2007 chỉ quy định đối tượng phải thực hiện công bố hợp quy là "người sản xuất", trên thực tế việc này rất khó để thực hiện đối với hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, Chính Phủ đã có nghị định số 132/2012/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 74/2018/NĐ-CP) hướng dẫn thủ tục công bố hợp quy đối với cả người sản xuất (trong nước) và tổ chức cá nhân nhập khẩu hàng hóa. Do vậy, ta có thể định nghĩa hoạt động công bố hợp quy như sau:
Công bố hợp quy là việc tổ chức cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu thông báo sản phẩm của mình phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, căn cứ trên việc thực hiện theo các quy định của pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật
Căn cứ pháp lý về công bố hợp quy ICT
→ Nghị định số 132/2012/NĐ-CP (bao gồm phiên bản sửa đổi và bổ sung là Nghị định số 74/2018/NĐ-CP)
→ Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT của Bộ TT&TT về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy (bao gồm các phiên bản bổ sung và sửa đổi).
→ Thông tư quy định danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ TTT&TT quy định danh mục các thiết bị phải chứng nhận và công bố hợp quy (hiện hành là Thông tư số 02/2024/TT-BTTTT)
→ Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) áp dụng đối với sản phẩm
→ Các văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư của Bộ TT&TT ban hành (áp dụng đối với một số trường hợp đặc thù)
Quy trình Công bố hợp quy và tài liệu cần thiết
Quy trình và các tài liệu cần thiết để tiến hành thủ tục đối với các thiết bị được liệt kê trong Phụ lục 1 và Phụ lục 2 của thông tư đã nêu là khác nhau.
Hồ sơ phải được nộp tại Cục Viễn Thông hoặc cơ quan được Cục Viễn Thông ủy quyền là 1 trong 3 chi nhánh của Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông của Cục Viễn thông. Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông của Cục Viễn thông sẽ xem xét hồ sơ và tiếp nhận công bố hợp quy nếu hồ sơ của doanh nghiệp phù hợp với các quy định của Bộ thông tin và Truyền thông và quy định của Cục Viễn thông.
Đối với hàng hóa nhập khẩu
Quy trình công bố hợp quy
Quy trình công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu được chúng tôi tóm tắt trong 5 bước dễ hiểu như sau
Tài liệu cần thiết:
→ Tài liệu về thông số kỹ thuật của sản phẩm hoặc thiết bị
→ Báo cáo tự đánh giá sự phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
→ Bản sao giấy đăng ký kiểm tra chất lượng cho lô hàng nhập khẩu (đã được CVT xác nhận)
→ Bản sao giấy chứng nhận hợp quy của thiết bị (đối với các sản phẩm thuộc nhóm bắt buộc phải CNHQ)
→ Mẫu dấu hợp quy ICT (tem hợp quy ICT) của doanh nghiệp
→ Kết quả thử nghiệm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho sản phẩm.
→ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao công chứng cho lần đầu công bố hợp quy hoặc khi đã có thay đổi)
Đối với sản phẩm nhập khẩu, thủ tục công bố hợp quy được hoàn thành ngay sau khi Cục Viễn Thông tiếp nhận bộ hồ sơ. Theo quy trình tại Thông tư 30/2011/TT-BTTTT (bao gồm các phiên bản bổ sung và sửa đổi) thì việc ban hành “Thông báo tiếp nhận bản Công bố hợp quy” không áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu.
Đối với hàng hóa sản xuất trong nước
Quy trình công bố hợp quy
Quy trình công bố hợp quy đối với hàng hóa sản xuất trong nước có đôi chút khác biệt so với thủ tục áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu. Thủ tục vẫn bao gồm 05 bước, doanh nghiệp phải nhận được giấy "Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy" do Cục Viễn thông cấp làm bằng chứng cho việc đã hoàn thành các bước công bố hợp quy theo quy định
Tài liệu cần thiết:
→ Biểu mẫu giấy công bố hợp quy theo Thông tư 30/2011/TT-BTTTT
→ Tài liệu về thông số kỹ thuật của sản phẩm hoặc thiết bị
→ Báo cáo tự đánh giá sự phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
→ Bản sao giấy đăng ký kiểm tra chất lượng cho lô hàng nhập khẩu
→ Bản sao giấy chứng nhận hợp quy của thiết bị (đối với các sản phẩm thuộc nhóm bắt buộc phải CNHQ)
→ Mẫu dấu hợp quy ICT (tem hợp quy ICT) của doanh nghiệp
→ Kết quả thử nghiệm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho sản phẩm.
→ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao công chứng cho lần đầu công bố hợp quy hoặc khi đã có thay đổi)
Sau khi chuẩn bị đủ bộ hồ sơ, doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông của Cục Viễn thông.
Quy trình đánh giá, thẩm định và xử lý hồ sơ của Cục Viễn Thông áp dụng đối với sản phẩm sản xuất trong nước được thông báo chính thức là 05 ngày làm việc song thực tế là quy trình này có thể kéo dài hơn đối với các chi nhánh Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông của Cục Viễn Thông tại Tp HCM và Đà Nẵng do văn bản “Thông báo tiếp nhận bản Công bố hợp quy” phải được gửi ra Hà Nội để đóng con dấu của Cục Viễn Thông tại Hà Nội.
Câu hỏi thường gặp khi làm Công bố hợp quy
Q: Cơ quan nhà nước nào thụ lý hồ sơ công bố hợp quy?
A: Tùy theo từng loại sản phẩm hàng hóa, Cơ quan quản lý nhà nước được bộ chủ quản chỉ định có thể bao gồm các Cục chức năng hoặc Sở quản lý chuyên ngành tại địa phương. Đối với các thiết bị vô tuyến, viễn thông, công nghệ thông tin thuộc sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn Thông là cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc thụ lý hồ sơ công bố hợp quy của các tổ chức cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu.
Q: Doanh nghiệp chúng tôi đã có Giấy chứng nhận hợp quy, vì sao chúng tôi phải tiếp tục tiến hành thủ tục Công bố hợp quy?
A: Theo quy định tại Thông tư 02/2024/TT-BTTTT, các sản phẩm được liệt kê tại Phụ lục 1 phải tiến hành cả hai thủ tục này. Trên thực tế, nếu quý doanh nghiệp so sánh, số lượng quy chuẩn liệt kê trên giấy chứng nhận hợp quy sẽ ít hơn so với quy chuẩn áp dụng cho sản phẩm liệt kê tại Thông tư số 02/2024/TT-BTTTT.
Sự thật bạn cần biết: Chứng nhận hợp quy chỉ là một khâu hoặc một phần của thủ tục công bố hợp quy
Q: Chúng tôi nhập khẩu máy tính cá nhân để bàn được liệt kê tại Phụ lục 2, vì sao chúng tôi được yêu cầu phải tiến hành cả thủ tục Chứng nhận hợp quy và Công bố hợp quy?
A: Máy tính cá nhân để bàn có tích hợp chức năng thu phát vô tuyến như Wifi 802.11 a/b/g/n/ac hoặc các giao diện kết nối không dây khác. Căn cứ theo Khoản 2, Điều 4 của Thông tư số 02/2024/TT-BTTTT, máy tính cá nhân để bàn có tích hợp tính năng thu phát vô tuyến sẽ được coi là thiết bị thu phát vô tuyến được liệt kê tại Phụ lục 1 và bắt buộc phải tiến hành cả hai loại thủ tục.
Q: Giấy “Thông báo tiếp nhận bản Công bố hợp quy” áp dụng đối với sản phẩm sản xuất trong nước có thời hạn hiệu lực là bao lâu?
A: Giấy này có thời hạn hiệu lực 03 năm hoặc bằng với thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy. Doanh nghiệp phải thực hiện lại thủ tục trong trường hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan được ban hành hoặc cập nhật, hoặc giấy Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy hết hiệu lực.
Giấy Thông báo tiếp nhận bản Công bố hợp quy
(Chỉ áp dụng đối với hàng hóa sản xuất trong nước kể từ cuối năm 2018)