Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu và chứng nhận hợp quy Máy bộ đàm

Hướng dẫn chi tiết thủ tục nhập khẩu, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy máy bộ đàm

EXTENDMAX – Máy bộ đàm là thuyết bị thu phát sóng vô tuyến thuộc danh mục các thiết bị bắt buộc phải Chứng nhận hợp quy, Công bố hợp quy tại Cục Viễn Thông theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Thông tư 02/2022/TT-BTTTT (hoặc thông tư sẽ thay thế thông tư này trong tương lai). Thủ tục nhập khẩu máy bộ đàm bao gồm các khâu: Đăng ký kiểm tra chất lượng, thử nghiệm mẫu điển hình, xin Giấy chứng nhận hợp quy, lập bản tự đánh giá phù hợp (bản công bố hợp quy) cho máy bộ đàm và dán tem hợp quy ICT trước khi lưu hành sản phẩm ra thị trường. Đối với các máy bộ đàm có tính năng bảo mật, mã hóa đầu cuối như một số dòng máy bộ đàm chuyên nghiệp của Motorola, doanh nghiệp nhập khẩu còn phải xin giấy phép nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự để nhập khẩu.

thu-tuc-nhap-khau-may-bo-dam

 

Máy bộ đàm là gì, phân loại máy bộ đàm

Máy bộ đàm là gì?

Máy bộ đàm là một thiết bị di động cầm tay giao tiếp với nhau qua một tầng số nhất định và có thể đàm thoại hai chiều. Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, Donald L. Hings, kỹ sư phát thanh Alfred J. Gross và nhóm kỹ sư tại Motorola đã phát triển thiết bị này. Đầu tiên thiết bị được sử dụng cho bộ binh, sau đó các thiết kế tương tự được tạo ra cho các đơn vị pháo binh dã chiến và xe tăng. Sau chiến tranh, bộ đàm được dùng trong an toàn công cộng và cuối cùng chuyển sang các mục đích thương mại và công trường. Máy bộ đàm điển hình giống như một điện thoại di động, với một loa tích hợp vào một đầu và một microphone ở đầu kia (trong một số thiết bị loa cũng được sử dụng như micro) và một ăng ten gắn trên đỉnh của thiết bị. Để nói chuyện phải áp thiết bị sát mặt. Một máy bộ đàm là một thiết bị thông tin liên lạc,nhiều thiết bị cầm tay sử dụng chung một kênh phát để liên lạc với nhau, và chỉ có một kênh phát có thể truyền tải cùng một lúc, mặc dù bất kỳ thiết bị nào cũng có thể nghe. Bộ thu phát bình thường để ở chế độ nhận; khi người dùng muốn nói chuyện sẽ nhấn một nút "push-to-talk" (PTT) để tắt máy thu và bật máy phát lên. Trong tiếng Anh, máy bộ đàm được gọi là Walkie Talkie hoặc Radio.

Trong tiếng Việt, ban đầu "máy bộ đàm" mang ý nghĩa sử dụng để đàm thoại trên bộ (nói chuyện trên đất liền), sau đó khái niệm này được mở rộng và sử dụng cho cả các máy liện lạc sử dụng trên sông (còn gọi là bộ đàm đường sông), trên biển gần bờ (bộ đàm hàng hải) và trên không (bộ đàm hàng không). Khái niệm "máy bộ đàm" chuyên dụng cho ngành "hàng hải" hoặc "hàng không" nghe khá vô lý nhưng được chấp nhận sử dụng trên thực tế. Bài viết này chỉ cung cấp thông tin và hướng dẫn cho các máy bộ đàm dân dụng cầm tay, tầm ngắn, sử dụng trên bộ (land mobile). Đối với các máy bộ đàm HF / VHF chuyên dùng cho ngành hàng hải và ngành hàng không xin vui lòng xem qua bài viết hướng dẫn thủ tục nhập khẩu thiết bị phát sóng ngành hàng hải.

Phân loại bộ đàm theo công nghệ

  • Bộ đàm analog: sử dụng kỹ thuật tương tự trên tần số UHF hoặc VHF để liên lạc, cự ly liên lạc từ 1-3km
  • Bộ đàm kỹ thuật số: sử dụng kỹ thuật số (digital) hoạt động trên tần số UHF hoặc VHF để liên lạc, cự ly liên lạc từ 3-5km. Ví dụ điển hình cho loại mày là máy bộ đàm Motorola XIR P3688
  • Bộ đàm 3G/4G: sử dụng sóng di động 3G / 4G LTE hoặc sóng wifi để liên lạc, hoạt động như một thiết bị đầu cuối thông tin di động với cự ly liên lạc không giới hạn. Ví dụ điển hình của loại này là bộ đàm iCom IP503H

Phân loại bộ đàm theo tần số sóng

  • Bộ đàm tần số UHF: sử dụng băng tần UHF (Ultra High Frequency) thông thường hoạt động trong khoảng 400MHz -  470MHz, có khả năng xuyên vật cản tốt, hợp với những môi trường trong đô thị.
  • Bộ đàm tần số VHF: sử dụng băng tần VHF (Very High Frequency) thông thường hoạt động trong khoảng 136MHz -  174MHz có khả năng truyền xa hơn nhưng xuyên vật cản kém nên thường được khuyên dùng tại môi trường thoáng, ít vật cản như ngoại ô, trên cảng, biển,…
  • Bộ đàm tần số MF/HF: thường là dòng bộ đàm lưu động gắn trên tàu thuyền, ứng dụng trong lĩnh vực hàng hải là chính.

Phân loại bộ đàm theo đặc điểm sử dụng

  • Bộ đàm cầm tay: loại bộ đàm bạn có thể cầm trong tay và di chuyển khi đang sử dụng. Bộ đàm cầm tay thường có công suất 4-5W và có thể dùng pin sạc được.
  • Bộ đàm lưu động (bộ đàm taxi): loại bộ đàm được lắp trên các phương tiện lưu động như xe taxi, xe tải, tàu thuyền,… Dòng bộ đàm này thường có công suất 25W hay 50W-60W hoặc hơn (với băng tần MF/HF). Có anten thường lắp trên nóc xe/ tàu và dùng nguồn điện bình ắc quy.
  • Trạm cố định: thường lắp ở các trạm điều hành, có công suất phát từ 40W trở lên và có anten lắp trên cột cao.
  • Trạm chuyển tiếp tín hiệu: giúp tăng cự ly liên lạc cho các máy bộ đàm cầm tay, lưu động và cả trạm cố định.

Phân loại bộ đàm theo tính chất thiết bị

  • Bộ đàm nghiệp dư (Amateur Radio): loại bộ đàm không chuyên, có giá thành thấp và được bán rất nhiều trên thị trường. Đôi khi loại máy bộ đàm này còn được sản xuất phục vụ nhu cầu đại trà và được gọi là sản phẩm tiêu dùng (consuler walkie talkie) hoặc máy bộ đàm giá rẻ. Loại thiết bị này có kích thước khá nhỏ, có loại nhỏ như điện thoại di động. Các máy liên lạc với nhau bằng các kênh định sẵn, có loại do người sử dụng tự cài đặt lấy hoặc do các cửa hàng cài đặt tần số bất kỳ để sử dụng. Các loại máy này còn hạn chế nhiều về chất lượng và được sản xuất bởi các hãng không mấy danh tiếng từ Trung Quốc.
  • Bộ đàm chuyên nghiệp (Professional Radio): loại bộ đàm được sản xuất theo một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng, được kiểm định và thẩm định bởi các cơ quan quản lý chất lượng của quốc gia nơi đặt nhà máy sản xuất. Loại thiết bị này được các hãng sản xuất bộ đàm nổi tiếng, uy tín lâu năm như Motorola, iCOM, Kenwood, Vertex Standard, Kirisun, HYT… và đáp ứng được trong nhiều loại môi trường khác nhau, kể cả những môi trường khắc nghiệt nhất (môi trường nhiều nước, dễ cháy nổ, nhiều bụi,…). Một số loại máy bộ đàm trong nhóm này có cung cấp license hoặc software mặc định mã hóa đầu cuối. Chúng ta cùng tìm hiểu các chính sách kiểm tra chuyên ngành áp dụng với bộ đàm ở phần dưới đây.

 

Bộ hồ sơ chứng từ nhập khẩu máy bộ đàm

Máy bộ đàm thuộc diện phải kiểm tra chất lượng nhà nước, kiểm tra chuyên ngành để được nhập khẩu vào Việt Nam. Do vậy, bộ chứng từ nhập khẩu sẽ nhiều hơn so với các sản phẩm thông thường. Đồng thời doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải làm thêm một số thủ tục như đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước, xin giấy phép nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự cho một số loại máy bộ đàm có tính năng mã hóa đầu cuối như bộ đàm Motorola, bộ đàm Kenwood trước khi mở tờ khai hải quan cho lô hàng nhập khẩu.

Bộ chứng từ nhập khẩu máy bộ đàm bao gồm:

  • Commercial Invoice (Hóa đơn thương mại) đối với hàng hóa mua từ nước ngoài và có thành toán. Hoặc Proforma Invoice (hóa đơn chiếu lệ), None-commercial invoice hoặc shipping invoice đối với hàng hóa không thanh toán như hàng biếu tặng, hàng hóa FOC, hàng bảo hành không phải thanh toán..
  • Bill of lading (Vận đơn đường biển) hoặc Air Way Bill (vận đơn hàng không)
  • Commercial Contract (hợp đồng mua hàng) hoặc Purchase Order (đơn đặt hàng) hoặc thông báo gửi hàng phi mậu dịch
  • Packing List (Phiếu đóng gói hàng hóa)
  • Tài liệu kỹ thuật của sản phẩm (để xác định chức năng, mã HS, chính sách quản lý chuyên ngành)
  • Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước (đã được Cục Viễn thông xác nhận)
  • Certificate of Origin (COO) (Giấy chứng nhận xuất xứ) trong trường hợp người nhập khẩu muốn được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi (nếu có)
  • Giấy phép nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự (đối với các máy bộ đàm có mã hóa đầu cuối)

Có thể bạn quan tâm: Bộ chứng từ xuất nhập khẩu đầy bao gồm những gì

 

Các văn bản pháp quy, quy định áp dụng cho máy bộ đàm

Quy trình và các tài liệu cần thiết để nhập khẩu, Chứng nhận hợp quy và Công bố hợp quy cho máy bộ đàm được quy định tại các văn bản sau do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành:

Quy định về kiểm tra chất lượng và hơp quy do Bộ TT&TT ban hành

Các máy bộ đàm sử dụng trên bộ có mã HS code 85176100 (thiết bị trạm gốc cố định) và mã HS code 85171200 (mã HS code mới theo Thông tư 31/2022/TT-BTC là 85171400) (trạm gốc di động, máy bộ đàm cầm tay) thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản pháp quy sau:

Thông tư 02/2024/TT-BTTTT quy định danh mục sản phẩm hàng hóa phải chứng nhận hợp quy và/hoặc công bố hợp quy (danh mục hàng hóa nhóm 2) thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ TT&TT

Thông tư 15/2018/TT-BTTTTNghị định 74/2018/NĐ-CP quy định thủ tục kiểm tra chất lượng nhà nước đối với hàng nhập khẩu

Thông tư 10/2020/TT-BTTTT quy định về phương thức chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy các sản phẩm Bộ TT&TT quản lý

Quyết định 71/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia (bao gồm cả các phiên bản bổ sung, sửa đổi)

Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được áp dụng sẽ căn cứ theo các công nghệ thu phát sóng vô tuyến điện mà sản phẩm tích hợp.

Giấy phép mật mã dân sự của Ban Cơ yếu Chính phủ Bộ Quốc phòng

Máy bộ đàm có mã HS 85171100 hoặc 85171200 có tính năng mã hóa đầu cuối được liệt vào nhóm "sản phẩm bảo mật thoại tương tự và thoại số, sản phẩm bảo mật thoại vô tuyến" thuộc danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép quy định bởi các văn bản pháp quy sau:

Nghị định 58/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự. Theo đó, để nhập khẩu máy bộ đàm có chức năng mã hóa đầu cuối, doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự và giấy phép nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự.

Nghị định 53/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của chính phủ quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự

Các quy định kiểm tra chuyên ngành khác cho bộ đàm?

Máy bộ đàm phòng nổ chuyên sử dụng trong các hầm lò, dàn khoan dầu khí còn phải thực hiện thủ tục đăng ký kiểm tra chất lượng theo quy định của Bộ Công thương.

Mã HS 8517 nằm trong danh mục các sản phẩm công nghệ thông tin phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử (RoHS)

Bộ đàm có mã HS 8517 thuộc danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu quy định tại Thông tư 11/2018/TT-BTTTT của Bộ TT&TT. Doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu sản phẩm mới 100%.

Tần số sử dụng cho máy bộ đàm không phải là tần số miễn phí. Tổ chức, cá nhân sử dụng máy bộ đàm phải xin giấy phép sử dụng tần số trước khi sử dụng.

 

Quy trình, thủ tục nhập khẩu và hợp quy bộ đàm

Do máy bộ đàm chủ yếu là loại không có tính năng mã hóa mật mã dân sự, nhưng cũng có loại có tính năng mã hóa. Do vậy chúng tôi chia bộ đàm ra thành 2 nhóm sau đây với các chính sách kiểm tra chuyên ngành tương ứng

→ Các bộ đàm không có tính năng mật mã dân sự thì chỉ cần làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong một số trường hợp, khi cơ quan hải quan có nghi vấn sản phẩm là sản phẩm mật mã dân sự thì người nhập khẩu có thể xin văn bản xác nhận sản phẩm không phải là sản phẩm mật mã dân sự để thông quan thuận lợi.

→ Các loại máy bộ đàm đồng thời cũng có tính năng mã hóa mật mã dân sự thì sẽ phải đồng thời áp dụng thủ tục nhập khẩu với các quy định kiểm tra chuyên ngành của Bộ TT&TT và Ban Cơ yếu Chính phủ cùng một lúc.

a Thủ tục áp dụng đối với máy bộ đàm nhập khẩu

Các thủ tục nhập khẩu theo quy định của Bộ TT&TT

(1) Đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước cho sản phẩm

(2) Nộp giấy đăng ký kiểm tra chất lượng cho cơ quan Hải quan

(3) Làm thủ tục thông quan cho sản phẩm và lấy hàng về kho

(4) Thử nghiệm sản phẩm theo Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng

(5)  Chứng nhận hợp quy cho sản phẩm tại tổ chức chứng nhận

(6) Công bố hợp quy (tự đánh giá sự phù hợp) cho sản phẩm

(7) Dán tem hợp quy ICT lên sản phẩm trước khi lưu hành ra thị trường

Trong trường hợp doanh nghiệp đã có sẵn giấy chứng nhận hợp quy và kết quả thử nghiệm cần thiết, doanh nghiệp có thể làm thủ tục công bố hợp quy (tự đánh giá sự phù hợp cho lô hàng nhập khẩu ngay sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước)

Các thủ tục nhập khẩu theo quy định của Ban Cơ Yếu Chính phủ

(Khi máy bộ đàm có tính năng mã hóa đầu cuối)

(1) Xin giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự (nên xin trước khi nhập khẩu)

(2) Xin giấy phép nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự (nên xin trước khi nhập khẩu)

b Thủ tục áp dụng đối với bộ đàm sản xuất trong nước:

Các thủ tục thực hiện theo quy định của Bộ TT&TT

(1) Thử nghiệm bộ đàm theo Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng

(2) Chứng nhận hợp quy cho máy bộ đàm tại tổ chức chứng nhận

(3) Công bố hợp quy cho bộ đàm sản xuất trong nước tại Cục Viễn Thông

(4) Dán tem hợp quy ICT lên bộ đàm trước khi lưu hành ra thị trường

Các thủ tục thực hiện theo quy định của Ban Cơ Yếu Chính phủ

(Khi máy bộ đàm có tính năng mã hóa đầu cuối)

(1) Xin giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự

(2) Xin giấy phép xuất khẩu sản phẩm mật mã dân sự (khi có nhu cầu xuất khẩu)

 

Cách xác định Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho máy bộ đàm

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho sản phẩm sẽ được xác định căn cứ theo các công nghệ thu phát sóng vô tuyến được áp dụng trên thiết bị. Tùy theo thông số kỹ thuật, các công nghệ và tần số thu phát sóng vô tuyến ứng dụng, một model sản phẩm sẽ phải đo kiểm, thử nghiệm theo những Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành liệt kê dưới đây:

a. Quy chuẩn kỹ thuật về phát xạ sóng vô tuyến:

  • QCVN 37:2018/BTTTT (Máy bộ đàm analog sử dụng ăn ten tích hợp
  • QCVN 42:2011/BTTTT (Máy bộ đàm kỹ thuật số sử dụng ăn ten rời)
  • QCVN 43:2011/BTTTT (Máy bộ đàm analog sử dụng ăn ten rời)
  • QCVN 44:2018/BTTTT (Máy bộ đàm kỹ thuật số sử dụng ăn ten liền)
  • QCVN 54:2020/BTTTT (Máy bộ đàm có WiFi 2.4GHz)
  • QCVN 65:2021/BTTTT (Máy bộ đàm có WiFi 5GHz)
  • QCVN 117:2023/BTTTT (Máy bộ đàm có thu phát 3G/4G LTE)

b. Quy chuẩn kỹ thuật về tương thích điện từ:

  • QCVN 112:2017/BTTTT (Máy bộ đàm có WiFi)
  • QCVN 86:2019/BTTTT (Máy bộ đàm có thu phát 3G/4G LTE)

c. Lưu ý quan trọng:

→ Máy bộ đàm bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia về dải tần hoạt động. Trong trường hợp sản phẩm không đáp ứng quy hoạch phổ tần số thì sẽ không được nhập khẩu vào Việt Nam

→ Các máy bộ đàm chất lượng thấp nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều khả năng không đạt yêu cầu về tương thích điện từ hoặc mức công suất phát thấp hơn công bố. Doanh nghiệp nên nhập khẩu từ các nhà máy có giấy chứng nhận ISO 9001 và làm thủ tục thử nghiệm, chứng nhận hợp quy trước khi nhập khẩu số lượng lớn để tránh rủi ro.

→ Hiện tại pin lithium của máy bộ đàm chưa thuộc diện bắt buộc phải công bố hợp quy. Tuy nhiên, đây là thiết bị cầm tay có ảnh hưởng đến an toàn của người sử dụng nên nhiều khả năng pin lithium của bộ đàm sẽ phải hợp quy trong tương lai.

→ Bộ Thông tin và Truyền thông cập nhật các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và thay đổi danh mục hàng hóa nhóm 2 theo từng thời kỳ. Bạn có thể tìm kiếm quy định mới nhất trên website của chúng tôi.

 

Thử nghiệm, đo kiểm thiết bị thu phát sóng

Đối với các quy chuẩn về thu phát sóng vô tuyến RF và tương thích điện từ EMC, doanh nghiệp có thể tiến hành đo kiểm, thử nghiệm thiết bị tại các Phòng thử nghiệm trong nước được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định hoặc Phòng thử nghiệm nước ngoài được Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Cục Viễn Thông thừa nhận kết quả đo kiểm, thử nghiệm (phòng thử nghiệm MRA). Thông thường, quá trinh thử nghiệm sản phẩm sẽ kéo dài 1-2 tuần. 

Đối với tính năng mật mã dân sự, hiện tại Bộ Quốc Phòng chưa bắt buộc thử nghiệm và chứng nhận hợp quy song sẽ sớm áp dụng trong tương lai.

 

Chuẩn bị bộ hồ sơ chứng nhận hợp quy bộ đàm

Bộ hồ sơ chứng nhận hợp quy cho máy bộ đàm bao gồm:

-   Giấy đề nghị chứng nhận hợp quy theo mẫu của tổ chức chứng nhận

-   Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

-   Tài liệu kỹ thuật của sản phẩm.

-   Hình ảnh thực tế của sản phẩm.

-   Kết quả đo kiểm, thử nghiệm thiết bị

-   Giấy chứng nhận ISO 9001 của nhà máy sản xuất hoặc bộ hồ sơ nhập khẩu (theo phương thức chứng nhận áp dụng)

-   Một số biểu mẫu khác do ExtendMax chuẩn bị

 

Nộp hồ sơ tại tổ chức chứng nhận hợp quy

Hiện tại, tổ chức chứng nhận hợp quy được Bộ TT&TT chỉ định là Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông (trực thuộc Cục Viễn thông), doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ chứng nhận hợp quy tại một trong các địa chỉ sau đây:

→ Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông tại Hà Nội

→ Chi nhánh Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông tại Đà Nẵng

→ Chi nhánh Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông tại TP. HCM

Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông sẽ xem xét, đánh giá bộ hồ sơ Chứng nhận của Doanh nghiệp và cấp Giấy Chứng  nhận hợp quy nếu bộ hồ sơ đầy đủ và phù hợp với các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn Thông. Quá trình xử lý, đánh giá, cấp Giấy Chứng nhận hợp quy thông thường mất 2 tuần.

 

Công bố hợp quy, tự đánh giá sự phù hợp

Căn cứ trên Giấy Chứng nhận hợp quy đã được cấp, Doanh nghiệp phải tiếp tục tiến hành các thủ tục Công bố hợp quy tại Cục Viễn Thông - Bộ Thông tin và Truyền thông.

a Thủ tục Công bố hợp quy đối với bộ đàm nhập khẩu:

Doanh nghiệp chuẩn bị bộ hồ sơ Công bố hợp quy (tự đánh giá sự phù hợp) cho lô hàng bộ đàm nhập khẩu, bao gồm:

(1) Biểu mẫu đánh giá sự phù hợp theo Nghị Định 74/2018/NĐ-CP

(2) Bản sao giấy đăng ký kiểm tra chất lượng của lô hàng

(3) Mẫu dấu ICT đối với doanh nghiệp nhập khẩu lần đầu hoặc có sự thay đổi về mẫu dấu

(4) Tài liệu thông số kỹ thuật của sản phẩm (datasheet, specifications)

(5) Giấy chứng nhận hợp quy của sản phẩm (đối với sản phẩm có chức năng thu phát sóng)

Đối với sản phẩm nhập khẩu, thủ tục công bố hợp quy được hoàn tất ngay sau khi Cục Viễn thông tiếp nhận bộ hồ sơ liệt kê như trên.

b Thủ tục Công bố hợp quy đối với bộ đàm sản xuất trong nước:

Doanh nghiệp chuẩn bị bộ hồ sơ Công bố hợp quy cho sản phẩm theo quy định, bao gồm:

(1) Biểu mẫu Công bố hợp quy theo Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT

(2) Biểu mẫu đánh giá sự phù hợp theo Nghị Định 74/2018/NĐ-CP

(3) Mẫu dấu ICT đối với doanh nghiệp nhập khẩu lần đầu hoặc có sự thay đổi về mẫu dấu

(4) Tài liệu thông số kỹ thuật của sản phẩm (datasheet, specifications)

(5) Giấy chứng nhận hợp quy của sản phẩm (đối với sản phẩm có chức năng thu phát sóng)

Đối với sản phẩm sản xuất trong nước Cục Viễn thông tiếp nhận bộ hồ sơ, xử lý hồ sơ và ban hành bản "Thông báo tiếp nhận bản Công bố hợp quy" với thời hạn hiệu lực 3 năm cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Công bố hợp quy lần đầu sẽ cần làm thủ tục xin cấp mã CODE ICT và đăng ký mẫu dấu hợp quy ICT (tem hợp quy ICT) với Cục Viễn Thông

Các bước trên là toàn bộ các thủ tục nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh bộ đàm một cách tuân thủ toàn diện các quy định của pháp luật và văn bản dưới luật về thiết bị vô tuyến, viễn thông, công nghệ thông tin, thiết bị mật mã dân sự theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc Phòng.

 

ExtendMax có thể giúp gì cho bạn?

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn thủ tục nhập khẩu, thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy máy bộ đàm cho nhiều hãng sản xuất, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và các nhãn hiệu hàng đầu thế giới Motorola, iCom, Hytera... chúng tôi có thể hỗ trợ bạn toàn bộ các thủ tục nhập khẩu bao gồm:

→ Đánh giá hồ sơ tài liệu, giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, xác định phương thức chứng nhận hợp quy phù hợp nhất và có chi phí thấp nhất cho doanh nghiệp

→ Tư vấn và hỗ trợ các thủ thục nhập khẩu ban đầu để thông quan như đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước cho máy bộ đàm nhập khẩu.

→ Đại diện cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục đo kiểm thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy cho sản phẩm

→ Đánh giá đặc tính kỹ thuật của sản phẩm, xác định giúp doanh nghiệp các máy bộ đàm nhập khẩu có thuộc diện phải xin giấy phép mật mã dân sự hay không

→ Trong trường hợp bộ đàm nhập khẩu được đánh giá không phải là sản phẩm mật mã dân sự, ExtendMax tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp xin văn bản xác nhận sản phẩm không phải là sản phẩm mật mã dân sự do Cục Quản lý mật mã dân sự và kiểm định sản phẩm mật mã (NACIS) ban hành để đảm bảo thông quan thuận lợi và nhanh chóng

→ Đánh giá sơ bộ điều kiện hiện tại của doanh nghiệp so sánh với điều kiện để được cấp giấy phép mật mã dân sự, tư vấn cho doanh nghiệp các biện pháp khắc phục trong trường hợp doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện

→ Tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp, tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị các hồ sơ bao gồm phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh, phương án bảo mật và các tài liệu khác trong thời gian nhanh nhất đúng theo yêu cầu của cơ quan chức năng

→ Đại diện cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục thử nghiệm, chứng nhận hợp quy mật mã dân sự cho máy bộ đàm có mã hóa đầu cuối (khi bắt buộc áp dụng chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự)

→ Trong trường hợp doanh nghiệp cần làm thủ tục bộ đàm với số lượng nhỏ, hoặc nhận hàng không thanh toán từ công ty mẹ hoặc đối tác nước ngoài, ExtendMax có đủ khả năng và điều kiện cung cấp giải pháp nhập khẩu tốt nhất hoặc cung cấp dịch vụ nhập khẩu ủy thác máy bộ đàm.

Thông tin liên hệ để được tư vấn

CÔNG TY TNHH EXTENDMAX VIỆT NAM

Hotline: 0915 836 555 | Hanoi: 024 6666 3066

Email: consultant@extendmax.vn | phuong.tran@extendmax.vn

Hotline chuyên gia tư vấn giấy phép Mật mã dân sự: 0915 836 555

Trụ sở chính: Biệt thự ExtendMax, C01-L18 An Vượng, KĐT Dương Nội, P. Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội

Phòng thử nghiệm: Biệt thự BT02-21 KĐT An Hưng, Tố Hữu, P. La Khê, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội, Việt Nam

 

Theo dõi ExtendMax qua FB FanPage hoặc LinkIn để được cập nhật những thông tin mới nhất!

Hãy để lại bình luận và chia sẻ bài viết nếu bạn thấy nó hữu ích trong công việc.

↓ ↓ ↓ ↓ ↓ ↓ ↓

Mẫu giấy Chứng nhận hợp quy cho máy bộ đàm

Khách hàng đánh giá
5.0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Đánh giá và nhận xét

Gửi nhận xét của bạn

      Bình luận
      Gửi bình luận
      Bình luận
        Tin tức mới
        Liên hệ ngay

        CÔNG TY TNHH EXTENDMAX VIỆT NAM

        MSDN: 0106943741

        Email: consultant@extendmax.vn

        Hotline: 0915 836 555 | Hà Nội: 024 6666 3066

        Hotline tư vấn Mật mã Dân sự: 0915 836 555

        DKKD:P903, tầng 9, tháp A, tòa nhà tổ hợp Sky City Tower, 88 Láng Hạ, P. Láng Hạ, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội, Việt Nam

        Head Office: Biệt thự ExtendMax, C01-L18 An Vượng, KĐT Dương Nội, P. Dương Nội, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội, Việt Nam

        Test laboratory: Biệt thự BT02-21, Khu ĐT An Hưng, Tố Hữu, P. La Khê, Q. Hà Đông, Hà Nội