EXTENDMAX - Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức ban hành Thông tư số 10/2020/TT-BTTTT để sửa đổi và bổ sung thông tư số 30/2011/TT-BTTTT. Căn cứ theo quy định mới thì sẽ có nhiều điểm mới, làm giảm đáng kể các thủ tục hành chính liên quan đến chứng nhận và công bố hợp quy đối với các sản phẩm, hàng hóa thu phát sóng vô tuyến, công nghệ thông tin thuộc trách nhiệm do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Nghĩa vụ thực hiện việc chứng nhận phù hợp cho sản phẩm cũng được chuyển dần từ người nhập khẩu sang nhà sản xuất đối với hàng hóa nhập khẩu, do đó các chi phí liên quan cũng sẽ được giảm đáng kể. Thông tư 10/2020/TT-BTTTT sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2020. Trước đó, Cục Viễn thông có tổ chức hội thảo và giới thiệu các phương thức chứng nhận hợp quy mới. Toàn bộ các nội dung thảo luận trong cuộc hội thảo đã được phản ánh trong dự thảo thông tư được ban hành trước đó và phiên bản chính thức là Thông tư 10/2020/TT-BTTT
Tổng quan về Thông tư số 10/2020/TT-BTTTT
Số hiệu | 10/2020/TT-BTTTT |
Cơ quan ban hành | Bộ Thông tin và Truyền thông |
Ngày ban hành | 07/05/2020 |
Ngày hiệu lực | 01/07/2020 |
Tình trạng hiệu lực | Còn hiệu lực |
Phiên bản tiền nhiệm | 30/2011/TT-BTTTT |
Phiên bản thay thế | N/A |
Số hiệu VBHN | 02/2020/VBHN-BTTTT |
Phân tích về Thông tư số 10/2020/TT-BTTTT
1. Giấy chứng nhận hợp quy có thể được cấp cho nhà sản xuất nước ngoài, bênh cạnh việc cấp cho các tổ chức, cá nhân nhập khẩu như quy định hiện hành.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục Chứng nhận hợp quy
2. Báo cáo tự đánh giá sự phù hợp cũng có thể được thực hiện bởi nhà sản xuất nước ngoài để sử dụng cho quá trình kiểm tra chất lượng nhà nước
>>> Xem thêm: Tổng quan về kiểm tra chất lượng nhà nước
3. Báo cáo tự đánh giá sự phù hợp chỉ được dựa trên kết quả thử nghiệm cấp cho chính cá nhân, tổ chức thực hiện việc đánh giá sự phù hợp
>>> Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục Công bố hợp quy
4. Trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu được nhà sản xuất nước ngoài cung cấp các giấy chứng nhận hợp quy, bản báo cáo tự đánh giá để làm thủ tục nhập khẩu. Doanh nghiệp sẽ cần nộp kèm bản thông báo về mã hiệu sản phẩm cùng với thông tin doanh nghiệp được phép sử dụng các giấy chứng nhận hợp quy và bản tự đánh giá đó, bản thông báo này phải do nhà sản xuất hoặc văn phòng đại diện / công ty con của nhà sản xuất tại Việt Nam ban hành.
5. Ngoài Cục Viễn thông, Bộ TT&TT có thể chỉ định các tổ chức chứng nhận khác tham gia vào hoạt động chứng nhận hợp quy đối với các sản phẩm, hàng hóa thu phát sóng vô tuyến, công nghệ thông tin.
6. Có thêm phương thức chứng nhận hợp quy 7 bên cạnh Phương thức 1và Phương thức 5 đã được thực hiện từ trước tới nay:
- Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình (áp dụng đối với sản phẩm được sản xuất từ dây chuyền có chứng nhận ISO 9001 hoặc chứng nhận tương đương cho hệ thống quản lý sản xuất), giấy Chứng nhận hợp quy có thời hạn tối đa 03 năm
- Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất (áp dụng đối với sản phẩm được sản xuất từ dây chuyền chưa có chứng nhận ISO 9001), giấy chứng nhận hợp quy có thời hạn tối đa 03 năm
- Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm hàng hóa (áp dụng khi không áp dụng được Phương thức 1 hay Phương thức 5), giấy chứng nhận hợp quy chỉ có giá trị đối với 1 lô sản phẩm
>>> Xem thêm: Hướng dẫn chứng nhận hợp quy Phương thức 7
7. Xoá bỏ một số điều liên quan đến thủ tục chứng nhận hợp quy (để tổ chức chứng nhận tự quyết định)
8. Không có sửa đổi, bổ sung về mẫu dẫu hợp quy. Điều này có nghĩa là Bộ TT&TT tiếp tục sử dụng dấu hợp quy ICT, không dùng chung dấu hợp quy CR với Bộ KHCN và các Bộ khác
Thông tư 10/2020/TT-BTTTT sẽ thúc đẩy quá trình xã hội hoá việc thử nghiệm và chứng nhận hợp quy các sản phẩm hàng hoá nhóm 2 thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý
Toàn văn Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT (VBHN)
Tải phiên bản gốc Thông tư số 10/2020/TT-BTTTT từ trang web của Bộ TT&TT: https://mic.gov.vn/Pages/VanBan/14529/10_2020_TT-BTTTT.html
BỘ THÔNG TIN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2020/TT-BTTTT | Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2020 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA THÔNG TƯ SỐ 30/2011/TT-BTTTT NGÀY 31 THÁNG 10 NĂM 2011 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUY ĐỊNH VỀ CHỨNG NHẬN HỢP QUY VÀ CÔNG BỐ HỢP QUY ĐỐI VỚI SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CHUYÊN NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;
Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Viễn thông,
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT ngày 31 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT ngày 31 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông
1. Sửa đổi khoản 4, bổ sung khoản 9 Điều 2 như sau:
“4. Tổ chức chứng nhận hợp quy là tổ chức được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định thực hiện chứng nhận sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
9. Lô sản phẩm là tập hợp một chủng loại hàng hóa được xác định về số lượng, có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật, của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ và thuộc cùng một bộ hồ sơ nhập khẩu.”
2. Sửa đổi Điều 11 như sau:
“Điều 11. Phương thức chứng nhận hợp quy
1. Việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo một trong ba phương thức sau đây được quy định tại Điều 5 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật:
- Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình.
- Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.
- Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa.
2. Nguyên tắc áp dụng:
a) Phương thức 1: Áp dụng để thực hiện cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong dây chuyền đã có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001 hoặc tương đương).
b) Phương thức 5: Áp dụng để thực hiện cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong dây chuyền chưa có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001 hoặc tương đương) nhưng có quy trình sản xuất và giám sát đảm bảo chất lượng để đánh giá.
c) Phương thức 7: Áp dụng để thực hiện cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa không áp dụng được theo Phương thức 1 hoặc Phương thức 5.
3. Phương thức chứng nhận phải được ghi trên Giấy chứng nhận hợp quy và làm cơ sở cho việc xác định phạm vi của Giấy chứng nhận hợp quy, phương pháp giám sát đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa sau chứng nhận.”
3. Sửa đổi Điều 16 như sau:
“Điều 16. Quy trình, thủ tục công bố hợp quy
1. Đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước
a) Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ công bố hợp quy theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư này và gửi một (01) bộ đến địa điểm tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Thông tư này.
b) Xử lý hồ sơ
b.1. Đối với hồ sơ công bố hợp quy không đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư này, trong thời hạn hai (02) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp quy, Cục Viễn thông thông báo bằng văn bản đề nghị bổ sung các loại giấy tờ theo quy định tới tổ chức, cá nhân công bố hợp quy. Sau thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày Cục Viễn thông gửi văn bản đề nghị mà hồ sơ công bố hợp quy không được bổ sung đầy đủ theo quy định, Cục Viễn thông hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
b.2. Đối với hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư này, trong thời gian năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp quy, Cục Viễn thông tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ công bố hợp quy:
b.2.1. Trường hợp hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ và hợp lệ, Cục Viễn thông ban hành Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy (theo mẫu tại Phụ lục 3 của Thông tư này).
b.2.2 Trường hợp hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ nhưng không hợp lệ, Cục Viễn thông thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy về lý do không tiếp nhận hồ sơ.
c) Thời hạn của Thông báo tiếp nhận Bản công bố hợp quy như sau:
c.1. Ba (03) năm kể từ ngày ký Thông báo tiếp nhận Bản công bố hợp quy (trường hợp công bố hợp quy theo biện pháp tại điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 được sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018).
c.2. Theo thời hạn của Giấy chứng nhận hợp quy hoặc không quá ba (03) năm kể từ ngày ký Thông báo tiếp nhận Bản công bố hợp quy (trường hợp công bố hợp quy theo biện pháp tại điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 được sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018).
d) Đối với sản phẩm, hàng hóa được miễn công bố hợp quy quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này, tổ chức, cá nhân gửi văn bản tới Cục Viễn thông về mục đích sử dụng sản phẩm, hàng hóa và không phải thực hiện nộp hồ sơ công bố hợp quy.
2. Đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu
a) Tổ chức, cá nhân khai/lập hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại điểm a khoản 2a Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 được bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 và khoản 2 Điều 4 Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 và gửi một (01) bộ hồ sơ đến địa điểm tiếp nhận hồ sơ theo khoản 3 Điều 17 Thông tư này hoặc tại cổng thông tin một cửa Quốc gia.
b) Trong vòng mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày thông quan, tổ chức, cá nhân phải hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư này và gửi một (01) bộ đến Cục Viễn thông theo địa điểm tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều 17 Thông tư này.
c) Đối với sản phẩm, hàng hóa được miễn công bố hợp quy quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này, tổ chức, cá nhân gửi văn bản tới Cục Viễn thông về mục đích sử dụng sản phẩm, hàng hóa tại thời điểm đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu và không phải thực hiện nội dung quy định tại điểm b khoản này.”
4. Sửa đổi Điều 17 như sau:
“Điều 17. Hồ sơ công bố hợp quy và địa điểm tiếp nhận hồ sơ
1. Hồ sơ công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước
a) Bản công bố hợp quy theo mẫu Phụ lục III Thông tư này.
b) Trường hợp tổ chức chưa có mã số doanh nghiệp hoặc cá nhân chưa có số định danh cá nhân, tổ chức, cá nhân nộp kèm theo hồ sơ công bố hợp quy bản sao một trong các loại giấy tờ sau:
b.1. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Quyết định/Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy phép đầu tư (đối với tổ chức chưa có mã số doanh nghiệp);
b.2. Chứng minh nhân dân/hộ chiếu (đối với cá nhân chưa có số định danh cá nhân).
Tổ chức, cá nhân chỉ nộp thành phần hồ sơ này khi thực hiện công bố hợp quy lần đầu hoặc các giấy tờ nêu trên có sự thay đổi.
c) Mẫu dấu hợp quy khi thực hiện công bố hợp quy lần đầu hoặc khi mẫu dấu hợp quy có sự thay đổi.
d) Trường hợp sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục nêu tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này: Bản sao Giấy chứng nhận hợp quy cấp cho tổ chức, cá nhân sản xuất.
đ) Trường hợp sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục nêu tại điểm b khoản 1 Điều 6 của Thông tư này:
đ.1. Báo cáo tự đánh giá gồm các thông tin sau:
- Tên tổ chức, cá nhân; địa chỉ; điện thoại, fax.
- Tên sản phẩm, hàng hóa.
- Hãng sản xuất.
- Số hiệu quy chuẩn kỹ thuật.
- Số, ngày cấp kết quả đo kiểm sản phẩm. Kết quả đo kiểm này phải được cấp bởi đơn vị đo kiểm phục vụ hoạt động công bố hợp quy quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này cấp cho tổ chức, cá nhân thực hiện báo cáo tự đánh giá.
- Kết luận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.
- Cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và kết quả tự đánh giá.
Báo cáo tự đánh giá dựa trên kết quả tự thực hiện của tổ chức, cá nhân hoặc dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy.
đ.2. Tài liệu kỹ thuật bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh của sản phẩm thể hiện đầy đủ các nội dung: Tên, ký hiệu và các thông tin kỹ thuật của sản phẩm, ảnh chụp bên ngoài, hãng sản xuất.
2. Hồ sơ công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu
a) Mẫu dấu hợp quy khi thực hiện công bố hợp quy lần đầu hoặc khi mẫu dấu hợp quy có sự thay đổi.
b) Trường hợp sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục nêu tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này: Bản sao Giấy chứng nhận hợp quy cấp cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc bản sao Giấy chứng nhận hợp quy cấp cho nhà sản xuất kèm theo văn bản của nhà sản xuất/đại diện của nhà sản xuất tại Việt Nam gửi Cục Viễn thông về việc sử dụng giấy chứng nhận hợp quy gồm các thông tin sau: tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của các tổ chức nhập khẩu; ký hiệu sản phẩm, hàng hóa (văn bản này chỉ nộp một lần hoặc khi có sự thay đổi về nội dung văn bản).
c) Trường hợp sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục nêu tại điểm b khoản 1 Điều 6 của Thông tư này:
c.1. Báo cáo tự đánh giá do tổ chức, cá nhân nhập khẩu thực hiện hoặc bản sao báo cáo tự đánh giá do nhà sản xuất thực hiện kèm theo văn bản của nhà sản xuất/đại diện của nhà sản xuất tại Việt Nam gửi Cục Viễn thông về việc sử dụng báo cáo tự đánh giá gồm các thông tin sau: tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của các tổ chức nhập khẩu; ký hiệu sản phẩm, hàng hóa (văn bản này chỉ nộp một lần hoặc khi có sự thay đổi về nội dung văn bản). Báo cáo tự đánh giá gồm các thông tin sau:
- Tên tổ chức, cá nhân; địa chỉ; điện thoại, fax.
- Tên sản phẩm, hàng hóa.
- Hãng sản xuất.
- Số hiệu quy chuẩn kỹ thuật.
- Số, ngày cấp kết quả đo kiểm sản phẩm. Kết quả đo kiểm này phải được cấp bởi đơn vị đo kiểm phục vụ hoạt động công bố hợp quy quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này cấp cho tổ chức, cá nhân thực hiện báo cáo tự đánh giá.
- Kết luận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.
- Cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và kết quả tự đánh giá.
Báo cáo tự đánh giá dựa trên kết quả tự thực hiện của tổ chức, cá nhân hoặc dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy.
c.2. Tài liệu kỹ thuật bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh của sản phẩm thể hiện đầy đủ các nội dung: Tên, ký hiệu và các thông tin kỹ thuật của sản phẩm, ảnh chụp bên ngoài, hãng sản xuất.
3. Địa điểm tiếp nhận hồ sơ
Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tại một trong các điểm địa sau:
a) Nộp trực tuyến qua cổng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước (Cổng dịch vụ công của Cục Viễn thông, cổng dịch vụ công của Bộ Thông tin và Truyền thông).
b) Nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính về Cục Viễn thông (Địa chỉ: số 68 đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).”
5. Sửa đổi khoản 3 Điều 18 như sau:
“3. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép sử dụng dấu hợp quy sau khi đã đăng ký mẫu dấu hợp quy tại Cục Viễn thông. Trường hợp có sự không phù hợp về dấu hợp quy, trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, Cục Viễn thông có văn bản đề nghị tổ chức, cá nhân hiệu chỉnh dấu hợp quy cho phù hợp.”
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 24 như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân phải thực hiện lại việc công bố hợp quy trong các trường hợp sau:
a) Thiết kế kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa đã công bố hợp quy thay đổi làm thay đổi chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm.
b) Nội dung của hồ sơ công bố hợp quy đã đăng ký có sự thay đổi.
c) Giấy chứng nhận hợp quy hết hiệu lực.”
7. Thay “Mẫu Giấy chứng nhận hợp quy” tại Phụ lục I bằng Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
8. Thay “Báo cáo tình hình hoạt động chứng nhận hợp quy” tại Phụ lục VI bằng Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
9. Bãi bỏ Điều 3, Điều 9, Điều 13, Điều 14, Điều 22, Điều 26, các điểm c, e khoản 1 Điều 27 và “Mẫu Đề nghị chứng nhận hợp quy” tại Phụ lục II.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Cục trưởng Cục Viễn thông, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Giám đốc cơ quan quản lý nhà nước về Thông tin và Truyền thông tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
2. Bãi bỏ khoản 5, khoản 7, khoản 9, khoản 10 và khoản 12 Điều 1 Thông tư số 15/2018/TT-BTTTT ngày 15 tháng 11 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT ngày 31 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông.
3. Giấy chứng nhận hợp quy, Thông báo tiếp nhận Bản công bố hợp quy đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và đang còn thời hạn được tiếp tục áp dụng cho đến hết hiệu lực.
4. Trách nhiệm thi hành
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) để xem xét, giải quyết.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Phụ lục
(Kèm theo Thông tư số 10/2020/TT-BTTTT ngày 07 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)
Mẫu số 01 | Mẫu Giấy chứng nhận hợp quy |
Mẫu số 02 | Báo cáo tình hình hoạt động chứng nhận hợp quy |
Mẫu số 01
BỘ THÔNG TIN VÀ Ministry of Information and Communications | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
GIẤY CHỨNG NHẬN HỢP QUY
TYPE APPROVAL CERTIFICATE
Số: ……….
No: ………
(TÊN TỔ CHỨC CHỨNG NHẬN HỢP QUY)
(Name of Certification Body)
CHỨNG NHẬN
It is to certify that
Sản phẩm : ………………………………………..
Product
Ký hiệu : ………………………………………..
Model
Hãng, nơi sản xuất : ………………………………………..
Manufacturer, place of manufacturing
Đơn vị được cấp : ………………………………………..
Certificate Holder
Phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn : ………………………………………..
Complies with
Giấy chứng nhận hợp quy này được cấp trên cơ sở Kết quả đo kiểm số .... ngày .... của .................
Phương thức chứng nhận:
The Certificate is in reference to Test report No:........... dated:....... by: ...
Certification system:
Hiệu lực của Giấy chứng nhận:
Validity of the certificate:
- Cho lô hàng số.... /for lottery No:... (1)
- Từ ngày .../.../.... đến ngày .../ .../ ...from …/…/… to .../.../... (2)
Thông tin về hiệu lực của Giấy chứng nhận được cập nhật tại website: vnta.gov.vn
Information about the validity of the certificate is update on the website: vnta.gov.vn
Nơi cấp: ..................... Place of Issue Ngày cấp: ………………. Date of Issue | CHỨC DANH NGƯỜI KÝ Job Title (Ký tên, đóng dấu) (Sign and seal) |
- Ghi chú (1): Thông tin này chỉ thể hiện đối với trường hợp chứng nhận theo Phương thức 7 và không thể hiện đối với trường hợp chứng nhận theo Phương thức 1 và Phương thức 5.
- Ghi chú (2): Thông tin này chỉ thể hiện đối với trường hợp chứng nhận theo Phương thức 1 và Phương thức 5 và không thể hiện đối với trường hợp chứng nhận theo Phương thức 7.
Mẫu số 02
(Tên Tổ chức chứng nhận | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ………. | …….., ngày …. tháng ... .năm .... |
BÁO CÁO TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CHỨNG NHẬN HỢP QUY
Từ ngày ... đến ngày ...
Kính gửi: Cục Viễn thông
1. Tên Tổ chức chứng nhận hợp quy:............................................................................
2. Địa chỉ:....................................................................................................................
Điện thoại:.......................................... Fax:........................... E-mail:...........................
3. Tình hình hoạt động:
(Tên Tổ chức chứng nhận hợp quy)... báo cáo tình hình hoạt động chứng nhận hợp quy và cấp mã dấu hợp quy từ ngày .../.../... đến ngày .../.../... như sau:
a) Giấy chứng nhận hợp quy đã cấp, cấp lại, cấp sửa đổi bổ sung:
TT | Tổ chức, cá nhân | Địa chỉ | Tên sản phẩm | Quy chuẩn kỹ thuật | Số Giấy chứng nhận hợp quy | Thời gian/ Hiệu lực cấp |
|
|
|
|
|
|
|
b) Giấy chứng nhận hợp quy đã đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực:
TT | Tổ chức, cá nhân | Địa chỉ | Tên sản phẩm | Quy chuẩn kỹ thuật | Số Giấy chứng nhận hợp quy | Thời gian / Hiệu lực cấp | Lý do bị thu hồi |
|
|
|
|
|
|
|
|
c) Mã quản lý của mẫu dấu hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy đã cấp:
TT | Tổ chức, cá nhân | Địa chỉ | Mã quản lý Dấu hợp quy đã cấp | Ngày cấp |
|
|
|
|
|
4. Các kiến nghị, đề xuất:.............................................................................................
| Tổ chức chứng nhận hợp quy |