EXTENDMAX – LCD LED TiVi (còn gọi là máy thu hình) là một thiết bị không thể thiếu trong mỗi gia đình và cũng được sử dụng nhiều trong văn phòng cũng như mục đích thương mại (chiếu quảng cáo trên TiVi). Hàng năm số lượng smart TiVi mang các nhãn hiệu nổi tiếng như LG, samsung, Sony, và một số dòng trung cấp như Casper, Xiaomi..được nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng rất lớn. Khác với các sản phẩm công nghệ thông tin khác, DVB-T2 Smart TiVi còn được sản xuất trong tại Việt Nam bởi nhiều nhà máy lắp ráp, trong số đó có các thương hiệu Việt Nam có độ nhận diện cao như Asanzo, Vinsmart. Vậy thủ tục nhập khẩu smart TiVi bao gồm những bước nào? Thủ tục sản xuất và kinh doanh TiVi trong nước ra sao? Mã HS của TiVi là bao nhiêu? TiVi nhập khẩu có phải làm thủ tục đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước không? Ngoài giấy chứng nhận hợp quy và nhãn năng lượng, doanh nghiệp còn cần thêm giấy phép gì để nhập khẩu và kinh doanh Smart TiVi tại Việt Nam hay không? Những loại TiVi nào không được làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam? Thủ tục nhập khẩu đối với TiVi ngoại nhập và thủ tục hợp quy đối TiVi sản xuất trong nước khác nhau ở điểm gì? Chúng ta cùng tìm hiểu câu trả lời cho tất cả các vấn đề thắc mắc đã nêu trong bài viết của ExtendMax dưới đây.
1. DVB-T2 là gì? Smart TiVi là gì? Set top box là gì? Phân loại TiVi?
Truyền hình kỹ thuật số (Digital Television - DTV) là công nghệ truyền hình sử dụng mã hóa kỹ thuật số, khác với công nghệ truyền hình tương tự analog được sử dụng phổ biến ở Việt Nam những năm 2000 trở về trước. Sau này công nghệ DTV được đổi tên thành DVB, còn được gọi là truyền hình kỹ thuật số mặt đất. DVB-T2 (Digital Video Broadcasting — Second Generation Terrestrial) là thế hệ thứ 2 của chuẩn DVB, thế hệ thứ nhất có tên gọi là DVB-T.
Máy thu hình hay còn gọi là TiVi hoặc TV là hệ thống (system) điện tử, công nghệ thông tin có khả năng thu nhận tín hiệu truyền hình dưới dạng sóng vô tuyến hoặc tín hiệu hữu tuyến (qua hệ thống truyền hình cáp cable TV) để chuyển thành hình ảnh và âm thanh rồi phát ra trên màn hình hiển thị. Tùy theo công nghệ, TiVi có thể được chia thành các nhóm như sau
Tivi sử dụng kỹ thuật Analog (kỹ thuật tương tự)
Máy thu hình analog là các TiVi đời cũ, thường được sử dụng ở Việt Nam những năm 2010 trở về trước, sử dụng tín hiệu truyền hình tương tự (analog) để phát âm thanh hình ảnh. Loại máy thu hình này thường sử dụng công nghệ bóng đèn hình CRT có độ bền cao, chi phí thấp và dễ triển khai. Tuy nhiên, loại TV analog sử dụng kỹ thuật tương tự nên có chất lượng âm thanh, hình ảnh thua xa các TiVi sử dụng kỹ thuật số, tiêu hao nhiều năng lượng, khó phát triển các mẫu với kích thước lơn. Thế hệ 8x ở Việt Nam hẳn là ai cũng đã từng "xoay cột ăng ten" và mãi còn nhớ đến bảng mầu test tín hiệu truyền hình như một phần của tuổi thơ. Kể từ năm 2014, khi đề án số hóa tín hiệu truyền hình ở Việt Nam được triển khai, loại TiVi này mất dần chỗ đứng trên thị trường. Kể từ ngày 28/12/2020, Việt Nam đã hoàn toàn tắt sóng truyền hình analog, hoàn thành đề án số hóa tín hiệu truyền hình, theo đó loại TV analog gần như không còn sử dụng được ở Việt Nam nữa. Hiện nay chỉ có một số lượng nhỏ TiVi này được sử dụng phục vụ các yêu cầu đặc thù như sưu tầm, hoặc dùng để chơi các game "bốn nút".
TiVi sử dụng công nghệ màn hình LCD, PDP, LED, OLED
TiVi sử dụng công nghệ màn hình LCD, PDP, LED, OLED là các công nghệ tiên tiến. Các TV có trên thị trường hiện nay đều là các TV sử dụng các công nghệ mới này.
- TV LCD là TiVi sử dụng công nghệ màn hình LCD (Liquid Crystal Display) hay còn gọi là màn hình tinh thể lỏng. Loại TV này có nhược điểm là hình ảnh hiển thị không tốt bằng các công nghệ màn hình khác nên mất dần chỗ đứng trên thị trường hiện đại
- TV PDP là TiVi sử dụng công nghệ màn hình PDP (Plasma Display Panel) hay còn gọi là TV Plasma. TV Plasma ra đời cùng thời kỳ với TV LCD, có khả năng hiển thị hình ảnh tốt hơn, song tiêu thụ năng lượng nhiều hơn TV LCD.
- TV LED là TiVi sử dụng công nghệ màn hình diot phát quang LED (Light-emitting diode), có khả năng hiển thị tốt hơn TV LCD và tiêu thụ điện năng ít hơn. Về mặt bản chất, TiVi LED là một TV LCD nhưng không sử dụng đèn nền thông thường, mà sử dụng các đèn LED cực nhỏ để chiếu sáng màn hình. Các đèn LED nền này có khả năng điều chỉnh bật tắt để tạo các vùng tối sáng cục bộ, qua đó tạo độ tương phản cao hơn và chất lượng hình ảnh tốt hơn TiVi LCD. TiVi LED ngày nay được phát triển thêm thành các công nghệ dựa trên nền tảng LED như OLED, QLED, SLED, micro LED...
Smart TiVi hay còn gọi là TiVi thông minh
Smart TiVi là máy thu hình sử dụng một trong những loại công nghệ màn hình tiên tiến LCD, PDP, LED, OLED kể trên, có thể cài đặt ứng dụng, chạy trên một hệ điều hành thông minh, có chức năng kết nối internet hoặc thiết bị ngoại vi bằng Wi-Fi, hoặc mạng có dây (LAN), hoặc Bluetooth, có khả năng chạy các ứng dụng (App) để phục vụ giải trí từ internet như lướt web, xem youtube, chơi game... bên cạnh chức năng thu hình cơ bản.
Căn cứ theo Thông tư số 07/2013/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (còn hiệu lực):
- Kể từ ngày 01/04/2014 tất cả các máy thu hình sử dụng công nghệ màn hình LCD, PDP, LED, OLED có kích thước màn hình trên 32in, nhập khẩu vào Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, bắt buộc phải tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số mặt đất DVB-T2
- Kể từ ngày 01/04/2015 tất cả các máy thu hình sử dụng công nghệ màn hình LCD, PDP, LED, OLED có kích thước màn hình từ 32in trở xuống, nhập khẩu vào Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, bắt buộc phải tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số mặt đất DVB-T2.
Do vậy, các TiVi bán trên thị trường ngày nay đều là loại TiVi DBV-T2, có gắn logo của đề án số hóa tín hiệu truyền hình
DVB-T2 Set Top Box (bộ giải mã tín hiệu truyền hình)
DVB-T2 Set Top Box là một thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình DVB-T2 và sau đó chuyển dữ liệu hình ảnh và âm thanh lên màn hình TV. Thiết bị này nằm trung gian giữa nguồn tín hiệu và TV. DVB-T2 Set Top Box là thiết bị được sử dụng để "biến" các TiVi thông thường thành TiVi có khả năng thu DVB-T2. Hoặc bạn có thể hiểu theo cách DVB-T2 Set Top Box là bộ giải mã tín hiệu truyền hình số mặt đất được lắp rời bên ngoài TiVi để bổ sung thêm chức năng cho TiVi. Đây chính là cứu cánh cho các TiVi đời cũ, không được tích hợp chức năng thu DVB-T2.
2. Bộ chứng từ nhập khẩu máy thu hình smart TiVi.
Một bộ hồ sơ nhập khẩu áp dụng đối với các sản phẩm bình thường (hàng hóa nhóm 1, không phải áp dụng chính sách nhập khẩu đặc biệt hoặc hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành) bao gồm:
- Commercial Invoice (Hóa đơn thương mại) đối với hàng hóa mua từ nước ngoài và có thành toán. Hoặc Proforma Invoice, None-commercial invoice hoặc shipping invoice đối với hàng hóa không thanh toán như hàng biếu tặng, hàng hóa FOC, hàng bảo hành không phải thanh toán..
- Bill of lading (Vận đơn đường biển) hoặc Air Way Bill (vận đơn hàng không)
- Commercial Contract (hợp đồng mua hàng) hoặc Purchase Order (đơn đặt hàng) hoặc thông báo gửi hàng phi mậu dịch
- Certificate of Origin (COO) (Giấy chứng nhận xuất xứ) trong trường hợp người nhập khẩu muốn được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi
- Packing List (Phiếu đóng gói hàng hóa)
- Tài liệu kỹ thuật của sản phẩm (để xác định chức năng, mã HS, chính sách nhập khẩu áp dụng)
- Các chứng từ khác (nếu có)
Tuy nhiên, bộ chứng từ nêu trên chỉ áp dụng đối với sản phẩm thông thường, không áp dụng chính sách nhập khẩu đặc biệt hoặc hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Vậy thiết bị TiVi có phải xin giấy phép đặc biệt hoặc kiểm tra chuyên ngành không? Câu trả lời của chúng tôi là TiVi thuộc diện phải kiểm tra chất lượng nhà nước, kiểm tra chuyên ngành để được nhập khẩu vào Việt Nam. Do vậy, bộ chứng từ nhập khẩu sẽ nhiều hơn so với các sản phẩm thông thường. Đồng thời doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải làm thêm một số thủ tục như đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước, đăng ký thử nghiệm hiệu suất năng lượng trước khi mở tờ khai hải quan cho lô hàng nhập khẩu.
Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn lập một bộ chứng từ xuất nhập khẩu đầy đủ
3. Các văn bản pháp quy, quy định áp dụng cho LCD TV, LED TiVi, DVB-T2 Set Top Box
Các văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục nhập khẩu TiVi và Set Top Box được ban hành bởi nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, cụ thể nội dung được tóm tắt như dưới đây
Các quy định kiểm tra chuyên ngành của Bộ TT&TT
Thông tư 02/2024/TT-BTTTT quy định danh mục sản phẩm hàng hóa phải chứng nhận hợp quy và/hoặc công bố hợp quy (danh mục hàng hóa nhóm 2) thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ TT&TT
Thông tư 15/2018/TT-BTTTT quy định thủ tục kiểm tra chất lượng nhà nước đối với hàng nhập khẩu
Thông tư 10/2020/TT-BTTTT quy định về phương thức chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy các sản phẩm Bộ TT&TT quản lý
Thông tư 07/2013/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Smart TV bắt buộc phải tích hợp chức năng thu sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2
TiVi thuộc danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu.
Các quy định kiểm tra chuyên ngành về hiệu suất năng lượng
Quyết định 04/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ quy định danh mục sản phẩm kiểm tra hiệu suất năng lượng và công bố dán nhãn năng lượng đối với TV
Thông tư 36/2016/TT-BCT quy định quy trình và thủ tục công bố nhãn tiết kiệm năng lượng cho các sản phẩm gia dụng, văn phòng, công nghiệp
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được áp dụng sẽ căn cứ theo các công nghệ thu phát sóng vô tuyến điện mà TiVi và Set Top Box tích hợp.
Tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng cho máy thu hình: TCVN 9536:2012 (áp dụng tới 31/12/2024) và TCVN 9536:2021 (áp dụng kể từ ngày 01/01/2025)
Các quy định kiểm tra chuyên ngành khác áp dụng đối với TiVi
Căn cứ theo dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử bắt buộc áp dụng từ 01/01/2026, TiVi có mã HS nằm trong danh mục phải chứng nhận hợp quy về hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại. Xin mời xem hướng dẫn chứng nhận hợp quy cho TiVi về hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại qua bài viết riêng của ExtendMax
4. Tóm tắt thủ tục nhập khẩu, chứng nhận hợp quy cho Smart TiVi
TiVi có mã HS 85287292 hoặc 85287299 thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ TT&TT (trong danh mục hàng hóa nhóm 2 có tên gọi là "Máy thu hình có tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số mặt đất DVB-T2 (iDTV)"), phải thực hiện các thủ tục đăng ký kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, dán tem hợp quy ICT. Đồng thời TiVi (máy thu hình) cũng thuộc danh mục phương tiện, thiết bị phải kiểm tra hiệu suất và dán nhãn năng lượng trước khi bán ra thị trường.
Thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình số mặt đất DVB-T2 (Set Top Box DVB-T2) có mã HS 85287191 hoặc 85287199, thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ TT&TT. Tuy nhiên, Set Top Box DVB-T2 chỉ phải thực hiện các thủ tục đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước cho hàng hóa nhập khẩu, công bố hợp quy, dán tem hợp quy ICT trước khi bán ra thị trường (không phải thực hiện thủ tục chứng nhận hợp quy)
a Thủ tục áp dụng đối với TiVi nhập khẩu
Các thủ tục thực hiện theo quy định của Bộ TT&TT
(1) Đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước cho Smart TV
(2) Truyền tờ khai hàng hóa nhập khẩu cùng giấy đăng ký kiểm tra chất lượng
(3) Làm thủ tục thông quan Smart TV và lấy hàng về kho
(4) Thử nghiệm sản phẩm theo Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng
(5) Chứng nhận hợp quy cho LCD, LED Smart TiVi
(6) Công bố hợp quy (tự đánh giá sự phù hợp) cho Smart TV
(7) Dán tem hợp quy ICT và logo số hóa lên Smart TV trước khi lưu hành ra thị trường
Trong trường hợp doanh nghiệp đã có sẵn giấy chứng nhận hợp quy và kết quả thử nghiệm cần thiết, doanh nghiệp có thể làm thủ tục công bố hợp quy (tự đánh giá sự phù hợp cho lô hàng nhập khẩu ngay sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước)
Các thủ tục thực hiện theo quy định của Bộ Công thương
(1) Làm giấy đăng ký thử nghiệm hiệu suất năng lượng
(2) Nộp giấy đăng ký thử nghiệm Smart TV cho cơ quan Hải quan
(3) Doanh nghiệp có thể được thông quan luôn hoặc làm thủ tục mang hàng về bảo quản
(4) Lấy mẫu đi thử nghiệm, kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu cho Smart TV
(5) Nộp kết quả kiểm tra hiệu suất cho cơ quan Hải quan để hoàn thành thủ tục thông quan
(6) Làm thủ tục công bố dán nhãn năng lượng lên Bộ Công thương
(7) Dán nhãn năng lượng lên Smart TV trước khi lưu hành ra thị trường
Trong trường hợp doanh nghiệp đã có sẵn kết quả kiểm tra hiệu suất hoặc giấy công bố dán nhãn năng lượng, doanh nghiệp có thể nộp ngay cho cơ quan Hải quan để được thông quan luôn.
Xin mời xem bài viết riêng hướng dẫn thủ tục công bố dán nhãn năng lượng TiVi của ExtendMax
b Thủ tục áp dụng đối với TiVi sản xuất trong nước:
Các thủ tục thực hiện theo quy định của Bộ TT&TT
(1) Thử nghiệm sản phẩm theo Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng
(2) Chứng nhận hợp quy cho máy thu hình TV
(3) Công bố hợp quy cho sản phẩm sản xuất trong nước tại Cục Viễn Thông
(4) Dán tem hợp quy ICT và logo số hóa lên sản phẩm trước khi lưu hành ra thị trường
Các thủ tục thực hiện theo quy định của Bộ Công thương
(1) Thử nghiệm hiệu suất năng lượng tối thiểu
(3) Công bố nhãn năng lượng lên Bộ Công thương
(3) Dán nhãn năng lượng lên sản phẩm trước khi lưu hành ra thị trường
5. Cách xác định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho DVB-T2 TV, Set Top Box
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho smart TiVi và DVB-T2 Set Top Box sẽ được xác định căn cứ theo các công nghệ thu phát sóng vô tuyến được áp dụng trên thiết bị. Tùy theo thông số kỹ thuật, các công nghệ và tần số thu phát sóng vô tuyến ứng dụng, một model LCD TiVi, LED TV và DVB-T2 Set Top Box sẽ phải đo kiểm, thử nghiệm theo những Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành liệt kê dưới đây:
a. Quy chuẩn kỹ thuật về phát xạ sóng vô tuyến
- QCVN 54:2020/BTTTT (WiFi 2.4GHz)
- QCVN 65:2021/BTTTT (WiFi 5GHz)
b. Quy chuẩn kỹ thuật về tương thích điện từ
- QCVN 112:2017/BTTTT (WiFi)
- QCVN 118:2018/BTTTT (EMI)
c. Quy chuẩn về giải mã tín hiệu truyền hình DVB-T2
- QCVN 63:2020/BTTTT (DVB-T2 receiver)
c. Quy chuẩn về an toàn điện cho thiết bị đầu cuối CNTT
- QCVN 132:2022/BTTTT (bắt buộc áp dụng từ 01/01/2024)
d. Lưu ý quan trọng về chính sách nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh
→ Smart TiVi bắt buộc phải có chức năng thu sóng truyền hình số mặt đất mới được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Khi nhập khẩu các TiVi từ thị trường Mỹ hoặc Châu Âu, bạn nên lưu ý TiVi dự định nhập khẩu có DVB-T2 hay không.
→ Ngoài việc làm các thủ tục liên quan đến Bộ TT&TT, doanh nghiệp còn cần chú ý đến thủ tục thử nghiệm hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng cho LCD TiVi, LED TV
→ Bộ TT&TT cập nhật các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và thay đổi danh mục hàng hóa nhóm 2 theo từng thời kỳ. Bạn có thể tìm kiếm quy định mới nhất trên website của chúng tôi.
→ LCD TiVi, LED TV và DVB-T2 Set Top Box thuộc diện bắt buộc phải đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước, Chứng nhận hợp quy, Công bố hợp quy, và dán nhãn hợp quy ICT trước khi lưu hành ra thị trường.
→ Một số loại màn hình cỡ lớn thoạt nhìn rất giống TiVi nhưng bản chất không phải TiVi, không có tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình (máy thu hình). Do vậy các màn hình này không áp dụng chính sách nhập khẩu, sản xuất như chính sách áp dụng với TiVi. Nếu thử nghiệm màn hình này theo các Quy chuẩn kỹ thuật QCVN hoặc Tiêu chuẩn kỹ thuật TCVN áp dụng đối với TiVi thì thường kết quả sẽ là không đạt.
6. Thử nghiệm, đo kiểm theo các quy chuẩn áp dụng đối với TiVi, Set top box
Doanh nghiệp tiến hành đo kiểm, thử nghiệm thiết bị tại các Phòng thử nghiệm trong nước được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định hoặc Phòng thử nghiệm nước ngoài được Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Cục Viễn Thông thừa nhận kết quả đo kiểm, thử nghiệm theo thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau MRA. Thông thường, quá trinh thử nsẽ kéo dài 2 - 3 tuần đối với Smart TV do phải thử nghiệm ở nhiều phòng thử nghiệm khác nhau. Bạn có thể trực tiếp thử nghiệm ở các phòng lab này hoặc ủy quyền cho ExtendMax thực hiện việc thử nghiệm. Hiện tại chưa có phòng thử nghiệm trong nước nào có thể thử nghiệm toàn bộ các quy chuẩn áp dụng cho Smart TiVi.
7. Chuẩn bị bộ hồ sơ Chứng nhận hợp quy cho TiVi, Set top box
Bộ hồ sơ Chứng nhận hợp quy cho sản phẩm bao gồm:
- Giấy đề nghị chứng nhận hợp quy theo mẫu của tổ chức chứng nhận
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao công chứng cho lần đầu nộp hồ sơ)
- Tài liệu kỹ thuật của sản phẩm (specifications, datasheet, brochure)
- Hình ảnh thực tế của sản phẩm (hình chụp sản phẩm và tem nhãn)
- Kết quả đo kiểm, thử nghiệm thiết bị (do phòng thử nghiệm được Bộ chỉ định hoặc thừa nhận ban hành)
- Giấy chứng nhận ISO 9001 của nhà máy sản xuất hoặc bộ hồ sơ nhập khẩu (theo phương thức chứng nhận áp dụng)
- Một số biểu mẫu khác do ExtendMax chuẩn bị cho các khách hàng ký và đóng dấu
Xin mới xem thêm bài viết riêng về các phương thức chứng nhận hợp quy thiết bị thu phát sóng
8. Nộp bộ hồ sơ Chứng nhận hợp quy tại tổ chức chứng nhận hợp quy
Hiện tại, tổ chức chứng nhận hợp quy được Bộ TT&TT chỉ định là Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông (trực thuộc Cục Viễn thông), doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ chứng nhận hợp quy tại một trong các địa chỉ sau đây:
→ Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông tại Hà Nội
→ Chi nhánh Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông tại Đà Nẵng
→ Chi nhánh Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông tại TP. HCM
Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông sẽ xem xét, đánh giá bộ hồ sơ Chứng nhận của Doanh nghiệp và cấp Giấy Chứng nhận hợp quy nếu bộ hồ sơ đầy đủ và phù hợp với các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn Thông. Quá trình xử lý, đánh giá, cấp Giấy Chứng nhận hợp quy thông thường mất 2 tuần.
9. Công bố hợp quy, tự đánh giá sự phù hợp cho smart TiVi, Set top box
Căn cứ trên Giấy Chứng nhận hợp quy đã được cấp, Doanh nghiệp phải tiếp tục tiến hành các thủ tục Công bố hợp quy tại Cục Viễn Thông - Bộ Thông tin và Truyền thông.
a Thủ tục Công bố hợp quy đối với sản phẩm nhập khẩu:
Doanh nghiệp chuẩn bị bộ hồ sơ Công bố hợp quy (tự đánh giá sự phù hợp) cho lô hàng nhập khẩu, bao gồm:
(1) Biểu mẫu đánh giá sự phù hợp theo Nghị Định 74/2018/NĐ-CP
(2) Bản sao giấy đăng ký kiểm tra chất lượng của lô hàng
(3) Mẫu dấu ICT đối với doanh nghiệp nhập khẩu lần đầu hoặc có sự thay đổi về mẫu dấu
(4) Tài liệu thông số kỹ thuật của sản phẩm (datasheet, specifications)
(5) Giấy chứng nhận hợp quy của sản phẩm (đối với sản phẩm có chức năng thu phát sóng)
Đối với sản phẩm nhập khẩu, thủ tục công bố hợp quy được hoàn tất ngay sau khi Cục Viễn thông tiếp nhận bộ hồ sơ liệt kê như trên. Doanh nghiệp Công bố hợp quy lần đầu sẽ cần làm thủ tục xin cấp mã CODE ICT và đăng ký mẫu dấu hợp quy ICT (tem hợp quy ICT) với Cục Viễn Thông. Giấy "Thông báo tiếp nhận bản Công bố hợp quy" không áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu.
b Thủ tục Công bố hợp quy đối với sản phẩm sản xuất trong nước:
Doanh nghiệp chuẩn bị bộ hồ sơ Công bố hợp quy cho sản phẩm theo quy định, bao gồm:
(1) Biểu mẫu Công bố hợp quy theo Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT
(2) Biểu mẫu đánh giá sự phù hợp theo Nghị Định 74/2018/NĐ-CP
(3) Mẫu dấu ICT đối với doanh nghiệp nhập khẩu lần đầu hoặc có sự thay đổi về mẫu dấu
(4) Tài liệu thông số kỹ thuật của sản phẩm (datasheet, specifications)
(5) Giấy chứng nhận hợp quy của sản phẩm (đối với sản phẩm có chức năng thu phát sóng)
Đối với sản phẩm sản xuất trong nước Cục Viễn thông tiếp nhận bộ hồ sơ, xử lý hồ sơ và ban hành bản "Thông báo tiếp nhận bản Công bố hợp quy" với thời hạn hiệu lực 3 năm cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp Công bố hợp quy lần đầu sẽ cần làm thủ tục xin cấp mã CODE ICT và đăng ký mẫu dấu hợp quy ICT (tem hợp quy ICT) với Cục Viễn Thông
Các bước trên là toàn bộ các thủ tục cần thiết để doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh LCD LED Smart TiVi một cách tuân thủ toàn diện các quy định của pháp luật và văn bản dưới luật về thiết bị vô tuyến, viễn thông, công nghệ thông tin theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
10. Thủ tục nhập khẩu TiVi cũ đã qua sử dụng như thế nào?
5 bước thủ tục nhập khẩu nêu trên là các bước áp dụng đối với Tivi mới 100%. Trong trường hợp bạn nhập khẩu tivi đã qua sử dụng, người nhập khẩu sẽ phải xin thêm giấy phép của Bộ TT&TT để nhập khẩu. Cùng tìm hiểu thủ tục nhập khẩu Tivi cũ trong bài viết hướng dẫn chuyên đề về thủ tục nhập khẩu thiết bị CNTT đã qua sử dụng của ExtendMax dưới đây
>>> Xem thêm: Thủ tục nhập khẩu TiVi cũ
11. ExtendMax giúp gì cho bạn trong thủ tục nhập khẩu TiVi hoặc sản xuất TiVi?
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn thủ tục nhập khẩu, thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy smart TiVi cho nhiều hãng sản xuất, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và các nhãn hiệu hàng đầu thế giới và các nhà sản xuất Việt Nam như Panasonic, LG, samsung, Vinsmart... chúng tôi có thể hỗ trợ bạn toàn bộ các thủ tục nhập khẩu bao gồm:
→ Đánh giá thông số kỹ thuật và mô tả sản phẩm, xác định TiVi có chức năng thu phát sóng hay không và chính sách áp dụng đối với lô hàng TiVi nhập khẩu hoặc lắp ráp trong nước.
→ Đánh giá hồ sơ tài liệu, giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, xác định phương thức chứng nhận hợp quy phù hợp nhất và có chi phí thấp nhất cho doanh nghiệp
→ Tư vấn và hỗ trợ các thủ thục nhập khẩu ban đầu để thông quan như đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước cho smart TiVi nhập khẩu nhập khẩu.
→ Đại diện cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục đo kiểm thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy cho smart TiVi nhập khẩu cũng như smart TiVi sản xuất lắp ráp trong nước.
→ Trong trường hợp doanh nghiệp cần làm thủ tục nhập khẩu smart TiVi với số lượng nhỏ, hoặc nhận hàng không thanh toán từ công ty mẹ hoặc đối tác nước ngoài, ExtendMax có đủ khả năng và điều kiện cung cấp giải pháp nhập khẩu tốt nhất hoặc cung cấp dịch vụ nhập khẩu ủy thác sản phẩm chuyên ngành CNTT.
Thông tin liên hệ để được tư vấn thủ tục sản xuất hoặc nhập khẩu TiVi
CÔNG TY TNHH EXTENDMAX VIỆT NAM
Hotline: 0915 836 555 | Hanoi: 024 6666 3066
Email: consultant@extendmax.vn | phuong.tran@extendmax.vn
Hotline chuyên gia tư vấn giấy phép Mật mã dân sự: 0915 836 555
Trụ sở chính: Biệt thự ExtendMax, C01-L18 An Vượng, KĐT Dương Nội, P. Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội
Phòng thử nghiệm: Biệt thự BT02-21 KĐT An Hưng, Tố Hữu, P. La Khê, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội, Việt Nam
Nếu bạn thấy bài viết hướng dẫn của chúng tôi là hữu ích và có giá trị áp dụng trong thực tế, xin vui lòng ủng hộ chúng tôi bằng cách đánh giá ở phần dưới của bài viết, để lại bình luận, và chia sẻ bài viết tới những người bạn hoặc những người làm việc cùng ngành nhập khẩu, logistics. Đánh giá của bạn sẽ là động lực lớn để chúng tôi viết các hướng dẫn thủ tục chi tiết hơn, có giá trị hướng dẫn hơn cho các doanh nghiệp nhập khẩu
↓ ↓ ↓ ↓ ↓ ↓ ↓