Thủ tục nhập khẩu hàng hóa được bảo hộ nhãn hiệu độc quyền theo Luật sở hữu trí tuệ

Tác giảTrần Thanh Phương

Hướng dẫn thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa được bảo hộ nhãn hiệu theo Luật sở hữu trí tuệ. Bạn có phải xin phép chủ sở hữu nhãn hiệu không?

EXTENDMAX – Căn cứ theo Luật Hải quan và Thông tư số 13/2020/TT-BTC, chủ sở hữu nhãn hiệu đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ có quyền đề nghị với cơ quan Hải quan để được bảo hộ nhãn hiệu đã đăng ký bằng cách kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trong trường có hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu được bảo hộ, cơ quan Hải quan khi này có quyền ngăn chặn, thông báo tới chủ sở hữu và tạm dừng cho thông quan. Vậy quyền sở hữu trí tuệ là gì? Bảo hộ nhãn hiệu độc quyền là gì, bảo hộ thương hiệu độc quyền là gì? Thủ tục nhập khẩu hàng hóa có nhãn hiệu độc quyền đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu Cisco, Panasonic như thế nào? Quy trình nhập khẩu hàng hóa có sở hữu trí tuệ bao gồm những công đoạn gì? Người nhập khẩu có cần phải nộp cho cơ quan Hải quan văn bản của chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép được nhập khẩu hay không? Khi nào thì cơ quan Hải quan có quyền tạm dừng thông quan? Trong phạm vi bài viết này, chúng ta cùng xem xét những câu hỏi đã nêu và giải đáp thắc mắc dưới góc nhìn và các phân tích của ExtendMax. Các nội dung hướng dẫn thủ tục đăng ký thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu để được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo Luật sở hữu trí tuệ sẽ được chúng tôi xuất bản trong bài viết khác trong tương lại.  Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu một số khái niệm và cơ sở pháp lý về bảo hộ nhãn hiệu độc quyền trong việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được bảo hộ thương hiệu.

thu-tuc-nhap-khau-hang-hoa-co-so-huu-tri-tue

1. Bảo hộ thương hiệu độc quyền và bảo hộ nhãn hiệu độc quyền là gì?

Thương hiệu (brand hoặc brand name) theo định nghĩa của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức. Nói đến thương hiệu là nói đến hình tượng về hàng hóa trong tâm trí người tiêu dùng. Ví dụ như khi nói tới sản phẩm điện tử sản xuất tại Nhật Bản (made in Japan) hoặc thương hiệu Nhật Bản thì người nghe sẽ hình dung ra các sản phẩm bền bỉ, khi nói tới Hermes thì mọi người đều hình dung tới các sản phẩm thời trang sang trọng, đề cập tới ExtendMax thì sẽ nghĩ tới một công ty dịch vụ pháp lý về chứng nhận hợp quy và thủ tục nhập khẩu thật chuyên nghiệp và tận tâm...

Nhãn hiệu (mark hoặc trademark) theo định nghĩa tại Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Ở góc độ pháp lý, người ta thường sử dụng thuật ngữ nhãn hiệu hàng hóa đúng như trong quy định của pháp luật Việt Nam nhưng ở góc độ quản trị doanh nghiệp và làm tiếp thị marketing thì người ta sử dụng thuật ngữ thương hiệu nhiều hơn. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa có đưa ra định nghĩa về thương hiệu mà chỉ đưa ra định nghĩa về nhãn hiệu, do đó chỉ có nhãn hiệu mới là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Trong khi đó, thương hiệu là kết quả phấn đấu lâu dài của doanh nghiệp và người tiêu dùng chính là người công nhận thương hiệu.

Bảo hộ nhãn hiệu độc quyền là nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu trong một số danh mục sản phẩm / dịch vụ mang nhãn hiệu cụ thể, trong một thời gian cụ thể. Qua đó, nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ khỏi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ nhãn hiệu được bảo hộ. Bạn có thể xem mẫu giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của ExtendMax ở phần cuối của bài viết.

2. Cơ sở pháp lý về thủ tục nhập khẩu nhãn hiệu độc quyền được bảo hộ

→ Văn bản hợp nhất số 29/VBHN-BTC ngày 29/06/2020 quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thông tư số 13/2020/TT-BTC ngày 06/03/2020 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2015/TT-BTC Quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/04/2020.

Thông tư số 13/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 Quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/03/2015.

Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.

→ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12 ngày 19/06/2009.

Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005.

3. Chủ sở hữu nhãn hiệu được bảo hộ có quyền gì trong thủ tục nhập khẩu?

Yêu cầu kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định

"Điều 34. Quyền yêu cầu kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ

Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền trực tiếp hoặc thông qua người đại diện nộp đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ."

Để thực hiện quyền yêu cầu kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu làm đơn đề nghị và chuẩn bị bộ hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 13/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 (văn bản hợp nhất bao gồm các bổ sung, sửa đổi):

"Điều 6. Nộp hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

1. Người nộp Đơn đề nghị gửi hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đến Tổng cục Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, gồm:

a) Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo mẫu số 01 - ĐĐN/SHTT/2020 Phụ lục ban hành kèm Thông tư này;

b) Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hoặc tài liệu khác chứng minh quyền sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ tại Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng hoặc tài liệu khác chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng;

c) Mô tả chi tiết hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh chụp, các đặc điểm phân biệt hàng thật với hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

d) Danh sách những người xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp hàng hóa có yêu cầu giám sát; danh sách những người có khả năng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

đ) Văn bản ủy quyền (trong trường hợp ủy quyền nộp đơn).

Nội dung ủy quyền phải phù hợp với quy định pháp luật; trường hợp tổ chức, cá nhân ủy quyền không có trụ sở tại Việt Nam thì văn bản ủy quyền phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp không yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự theo thỏa thuận tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;"

Thông tư số 13/2015/TT-BTC quy định

Tham gia cùng cơ quan hải quan trong việc kiểm tra, giám sát

Trích khoản 2 "Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan" của Thông tư số 13/2015/TT-BTC

"2. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu của hàng hóa bị giả mạo quyền sở hữu trí tuệ hoặc người đại diện theo ủy quyền hợp pháp được tham gia cùng với cơ quan hải quan vào các hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xác minh, thu thập chứng cứ xác định hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, quá trình xử lý hàng hóa, tang vật vi phạm, trừ trường hợp cần thiết bảo vệ bí mật thương mại, bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật."

Kết luận về quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu được bảo hộ

Theo các căn cứ pháp lý nếu trên, trong trường hợp chủ hàng hóa có sở hữu trí tuệ phát hiện các dấu hiệu bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các bằng chứng mô tả chi tiết hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh chụp, các đặc điểm phân biệt hàng thật với hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ" sẽ có quyền nộp đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng thời chủ sở hữu nhãn hiệu được tham gia cùng với cơ quan hải quan vào các hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xác minh, thu thập chứng cứ xác định hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong trường hợp đơn yêu cầu được chấp thuận.

4. Cơ quan Hải quan chấp nhận đơn đề nghị giám sát thì sẽ xử lý ra sao?

Khoản 3 "Điều 7. Tiếp nhận, kiểm tra và xử lý đơn đề nghị" của Thông tư số 13/2015/TT-BTC quy định

3. Trường hợp chấp nhận đơn đề nghị thì xử lý như sau:

a) Sau khi chấp nhận yêu cầu kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thông báo chấp nhận đơn tới các Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Cục Điều tra chống buôn lậu để triển khai việc kiểm tra, giám sát.

b) Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu tiếp nhận thông báo của Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) và tra cứu dữ liệu trên hệ thống để tổ chức, triển khai thực hiện trong phạm vi địa bàn quản lý;

c) Chi cục Hải quan căn cứ thông tin trên cơ sở dữ liệu và thông báo của Tổng cục hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) để triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

5. Hình thức kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa có nhãn hiệu được bảo hộ 

Điều 12. Kiểm tra, giám sát hải quan

1. Nội dung kiểm tra hồ sơ hải quan:

a) Kiểm tra thông tin khai về hàng hóa: người khai hải quan phải khai đầy đủ, chính xác tên hàng, nhãn hiệu hàng hóa, quy cách phẩm chất, thông số kỹ thuật, thành phần cấu tạo, model, ký mã hiệu, đặc tính, công dụng của hàng hóa theo quy định;

b) Kiểm tra, đối chiếu các thông tin khai trên tờ khai hải quan với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan về tên hàng, nhãn hiệu, xuất xứ, trị giá, quy cách phẩm chất hàng hóa, thông số kỹ thuật, thành phần cấu tạo, model, ký mã hiệu, đặc tính, công dụng, tuyến đường vận chuyển của hàng hóa để xác định sự phù hợp;

c) Kiểm tra, đối chiếu thông tin về tên người xuất khẩu, tên người nhập khẩu, tên hàng, nhãn hiệu với các thông tin do Tổng cục Hải quan thông báo tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này và các thông tin do cơ quan hải quan thu thập để xác định hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả (nếu có).

Trường hợp người xuất khẩu, người nhập khẩu thuộc Danh sách những người có khả năng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai thực hiện thông báo hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho chủ sở hữu quyền hoặc người được ủy quyền hợp pháp theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

Trường hợp người xuất khẩu, người nhập khẩu không thuộc Danh sách người xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp hàng hóa và Danh sách những người có khả năng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì cơ quan hải quan chỉ thông báo hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho chủ sở hữu quyền hoặc người được ủy quyền hợp pháp theo quy định tại Điều 14 Thông tư này trên cơ sở kiểm tra hồ sơ hải quan và/hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

d) Trường hợp qua kiểm tra, đối chiếu đủ cơ sở để xác định hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu là phù hợp, không có dấu hiệu là hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan hải quan tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan theo quy định.

Trường hợp qua kiểm tra, đối chiếu xác định có dấu hiệu nghi vấn, nội dung khai trên tờ khai hải quan không phù hợp với nội dung trong hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát đã được Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) thông báo chấp nhận nhưng chưa đủ cơ sở để xác định hành vi vi phạm, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định kiểm tra thực tế hàng hóa, đồng thời chỉ rõ các dấu hiệu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để công chức hải quan khi kiểm tra thực tế hàng hóa lưu ý kiểm tra.

6. Thủ tục nhập khẩu hàng hóa có sở hữu trí tuệ cần thêm giấy tờ gì?

Qua các căn cứ pháp lý và các phân tích liệt kê trên, thủ tục nhập khẩu hàng hóa có sở hữu trí tuệ không có yêu cầu thêm tài liệu nào khác ngoại trừ bộ hồ sơ xuất nhập khẩu thông thường áp dụng đối với hàng hóa đó. Tuy nhiên, có một số lưu ý đặc biệt đối với các loại hàng hóa này do chúng tôi tổng hợp và khuyến nghị như sau:

→ Nhãn hiệu được bảo hộ có phạm vi được bảo hộ cụ thể được quy định theo từng nhóm. Do vậy không phải bất kỳ trường hợp nào sản phẩm có nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ cũng là một trường hợp vi phạm. Giả thiết là nhãn hiệu ABCD được bảo hộ trong nhóm "thiết bị điện, điện tử, viễn thông", khi đó các sản phẩm tiêu dùng ví dụ như quần áo hoặc giày dép mang nhãn hiệu ABCD cũng được coi là "không có dấu hiệu vi phạm" mặc dù đây cũng là một trường hợp trục lợi từ thương hiệu nổi tiếng.

→ "Yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu" cũng có phạm vi cụ thể. Ví dụ như đối với trường hợp yêu cầu kiểm tra, giám sát của Panasonic bao gồm phạm vi các sản phẩm "Ấm điện (m siêu tốc, bình đun nước, ấm đun nước, bình siêu tốc); Ni cơm điện; Máy xay sinh tố; Bàn ủi (bàn là); Máy lọc nước (bình lọc nước); Điện thoại bàn" thì sẽ không áp dụng đối với các sản phẩm khác như máy điều hòa không khí, quạt điện, TiVi... Việc thông quan các sản phẩm máy điều hòa không khí, quạt điện, TiVi vẫn thực hiện theo quy trình thông quan hàng hóa thông thường.

→ Quy trình kiểm tra thông tin khai báo nhập khẩu đối với hàng hóa có sở hữu trí tuệ sẽ được thực hiện kỹ càng, do vậy quá trình thụ lý hồ sơ có thể lâu hơn so với hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường

→ Trong trường hợp thương nhân nhập khẩu thuộc "Danh sách những người có khả năng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ" cơ quan hải quan sẽ thông báo cho chủ sở hữu trí tuệ và/hoặc kiểm tra hàng hóa thực tế.

→ Trong trường hợp thương nhân nhập khẩu không thuộc "Danh sách người xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp hàng hóa" (Chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc danh sách nhà phân phối được ủy quyền) thì cơ quan hải quan chỉ thông báo cho chủ sở hữu nhãn hiệu được bảo hộ khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn trên cơ sở bộ hồ sơ hải quan và/hoặc kiểm tra hàng hóa thực tế.

→ Trong một số trường hợp, khi thương nhân nhập khẩu không phải là nhà phân phối được ủy quyền của hãng, thương nhân nhập khẩu có thể chủ động xin văn bản xác nhận hàng chính hãng do chủ sở hữu nhãn hiệu được bảo hộ xác nhận và cấp cho thương nhân nhập khẩu. Căn cứ theo các cơ sở pháp lý đã liệt kê ở trên, văn bản xác nhận hàng chính hãng không phải là tài liệu bắt buộc phải có trong bộ hồ sơ hải quan. Tuy nhiên, văn bản này có thể hỗ trợ cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ nhanh hơn, qua đó giảm bớt thời gian thụ lý hồ sơ khai báo nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp. Bạn có thể tham khảo văn bản của Cisco xác nhận ExtendMax nhập khẩu hàng hóa nhãn hiệu Cisco chính hãng ở phần cuối của bài viết.

7. Thông tin liên hệ để được tư vấn về thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu

CÔNG TY TNHH EXTENDMAX VIỆT NAM

Hotline: 0915 836 555 | Hanoi: 024 6666 3066

Email: consultant@extendmax.vn | phuong.tran@extendmax.vn

Hotline chuyên gia tư vấn giấy phép Mật mã dân sự: 0915 836 555

Trụ sở chính: Biệt thự ExtendMax, C01-L18 An Vượng, KĐT Dương Nội, P. Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội

Phòng thử nghiệm: Biệt thự BT02-21 KĐT An Hưng, Tố Hữu, P. La Khê, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội, Việt Nam

Nếu bạn thấy bài viết hướng dẫn của chúng tôi là hữu ích và có giá trị áp dụng trong thực tế, xin vui lòng ủng hộ chúng tôi bằng cách đánh giá ở phần dưới của bài viết, để lại bình luận, và chia sẻ bài viết tới những người bạn hoặc những người làm việc cùng ngành nhập khẩu, logistics. Đánh giá của bạn sẽ là động lực lớn để chúng tôi viết các hướng dẫn thủ tục chi tiết hơn, có giá trị hướng dẫn hơn cho các doanh nghiệp nhập khẩu

↓ ↓ ↓ ↓ ↓ ↓

8. Mẫu văn bản xác nhận hàng chính hãng của Cisco cấp cho ExtendMax

van-ban-xac-nhan-hang-chinh-hang-cisco-1

van-ban-xac-nhan-hang-chinh-hang-cisco-2

van-ban-xac-nhan-hang-chinh-hang-cisco-3

Trần Thanh Phương
Tôi là Trần Thanh Phương, một luật gia chuyên về Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn Thông tin mạng, Luật Hải quan, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Thương mại. Tôi là một nhà tư vấn được các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới tín nhiệm trong lĩnh vực tư vấn về các quy định pháp luật, thủ tục nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin vào Việt Nam.
Khách hàng đánh giá
5
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Đánh giá và nhận xét

Gửi nhận xét của bạn

      Bình luận
      Gửi bình luận
      Bình luận
        Tin tức mới
        Liên hệ ngay

        CÔNG TY TNHH EXTENDMAX VIỆT NAM

        MSDN: 0106943741

        Email: consultant@extendmax.vn

        Hotline: 0915 836 555 | Hà Nội: 024 6666 3066

        Hotline tư vấn Mật mã Dân sự: 0915 836 555

        DKKD:P903, tầng 9, tháp A, tòa nhà tổ hợp Sky City Tower, 88 Láng Hạ, P. Láng Hạ, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội, Việt Nam

        Head Office: Biệt thự ExtendMax, C01-L18 An Vượng, KĐT Dương Nội, P. Dương Nội, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội, Việt Nam

        Test laboratory: Biệt thự BT02-21, Khu ĐT An Hưng, Tố Hữu, P. La Khê, Q. Hà Đông, Hà Nội