Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức công bố lộ trình cắt sóng 2G (GSM only) bắt đầu từ ngày 15/10, áp dụng trên toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn có một số khu vực đặc biệt như hải đảo và nhà giàn DK sẽ được giữ lại sóng 2G do các yếu tố địa lý và nhu cầu kết nối đặc thù. Trên lý thuyết, sau ngày này, công nghệ GSM sẽ không còn được sử dụng ở các khu vực khác, đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng trong quá trình hiện đại hóa hạ tầng viễn thông của Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra là liệu doanh nghiệp có còn phải thử nghiệm và chứng nhận hợp quy cho công nghệ GSM.
Vì sao tắt sóng 2G GSM là thực sự cần thiết?
Tắt sóng GSM là một phần của quá trình hiện đại hóa hạ tầng viễn thông của Việt Nam, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ di động tiên tiến. Dưới đây là các lý do quan trọng thúc đẩy việc cắt sóng 2G ở Việt Nam:
-
Giải phóng tài nguyên tần số: Mạng GSM sử dụng các băng tần mà hiện nay có thể được sử dụng hiệu quả hơn cho các công nghệ di động tiên tiến như 4G và 5G. Tắt sóng GSM sẽ giúp giải phóng tài nguyên tần số để mở rộng và cải thiện các mạng thế hệ mới, hỗ trợ tốc độ truyền tải dữ liệu cao hơn và nâng cao chất lượng dịch vụ.
-
Khuyến khích người dùng chuyển sang công nghệ mới: Việc duy trì mạng 2G đồng nghĩa với việc phải đầu tư nguồn lực để bảo trì một hạ tầng công nghệ lỗi thời. Bằng cách tắt sóng GSM, Việt Nam khuyến khích người dùng chuyển sang sử dụng các thiết bị hỗ trợ 4G, 5G hiện đại hơn, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng với tốc độ truy cập nhanh hơn và dịch vụ chất lượng cao hơn.
-
Nâng cao hiệu quả kinh tế: Việc duy trì mạng 2G cũ có thể tốn kém cho các nhà mạng, đặc biệt khi lượng người sử dụng công nghệ này ngày càng giảm. Tắt sóng GSM giúp các nhà mạng tiết kiệm chi phí bảo trì và có thể tập trung đầu tư vào hạ tầng mới, phát triển các dịch vụ có giá trị cao hơn như IoT, mạng thông minh, và các dịch vụ viễn thông tiên tiến khác.
-
Hội nhập và phát triển công nghệ hiện đại: Với sự phát triển mạnh mẽ của 4G và 5G trên toàn cầu, việc tiếp tục duy trì mạng 2G không còn phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển công nghệ viễn thông. Tắt sóng GSM giúp Việt Nam nhanh chóng chuyển mình sang các công nghệ hiện đại, đồng thời hỗ trợ các dịch vụ mới của nền kinh tế số, ngân hàng số, xe tự lái, thành phố thông minh...
-
Nâng cao an ninh mạng: Các mạng GSM đã cũ và có độ bảo mật thấp hơn so với các công nghệ hiện đại. Tắt sóng GSM giúp giảm thiểu các nguy cơ an ninh mạng liên quan đến việc duy trì công nghệ lạc hậu, từ đó bảo vệ tốt hơn thông tin cá nhân và dữ liệu của người dùng.
QCVN 117:2023/BTTTT – Quy chuẩn kỹ thuật cho cả 2G, 3G, LTE
QCVN 117:2023/BTTTT là quy chuẩn kỹ thuật được Bộ TT&TT ban hành, áp dụng cho các thiết bị có sử dụng công nghệ di động, bao gồm ba phần yêu cầu kỹ thuật cho LTE, 3G, và 2G. Điều này có nghĩa là các thiết bị di động, chẳng hạn như điện thoại thông minh, cần phải đáp ứng các yêu cầu này để được chứng nhận hợp quy khi nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước. Đáng chú ý, mặc dù công nghệ 2G (GSM) sẽ bị cắt sóng, nhưng QCVN 117:2023/BTTTT vẫn bao gồm các yêu cầu cho 2G, bên cạnh các yêu cầu cho 3G và LTE.
Sản phẩm có tích hợp 2G liệu còn phải hợp quy cho GSM?
Trên thực tế, các sản phẩm như điện thoại di động ngoài công nghệ 3G, 4G, 5G vẫn còn có tích hợp công nghệ GSM. Câu hỏi đặt ra là khi GSM đã bị cắt sóng, liệu có còn phải thử nghiệm và hợp quy cho cả phần 2G theo QCVN 117:2023/BTTTT cho các sản phẩm này?
Trên thực tế, việc cắt sóng GSM không đồng nghĩa với việc các sản phẩm tích hợp công nghệ GSM sẽ được miễn chứng nhận hợp quy QCVN 117:2023/BTTTT cho phần 2G. Lý do như sau:
1) Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 117:2023/BTTTT bao gồm các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc áp dụng cho LTE, 3G và bao gồm cả phần 2G GSM
2) Thông tư 02/2024/TT-BTTTT vẫn yêu cầu chứng nhận hợp quy cho các tính năng được tích hợp trong sản phẩm, bao gồm cả GSM.
Các thông tư và quy chuẩn nêu trên vẫn đang có hiệu lực thi hành, chưa có sửa đổi. Do vậy các doanh nghiệp nhập khẩu vẫn phải thực hiện thử nghiệm và chứng nhận hợp quy cho sản phẩm bao gồm cả phần 2G cho tới khi Bộ TT&TT ban hành các chính sách mới, loại trừ yêu cầu hợp quy cho phần 2G do công nghệ này không còn được sử dụng trên thực tế.
Giải pháp nào để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp?
Đối với hãng sản xuất: Đứng trên góc nhìn của hãng sản xuất, nếu sản phẩm không phải tích hợp GSM đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất, chi phí sử dụng bằng sáng chế, phát minh liên quan đến GSM sẽ được giảm xuống. Nếu bạn có phiên bản sản phẩm không hỗ trợ GSM, hãy ưu tiên xuất khẩu các sản phẩm này về Việt Nam. Trong trường hợp phần cứng sản phẩm vẫn có hỗ trợ GSM, hãng sản xuất có thể khóa tính năng GSM bằng các nâng cấp phần mềm nhỏ, qua đó tiết kiệm được chi phí thử nghiệm, chứng nhận hợp quy cho phần GSM.
Đối với doanh nghiệp nhập khẩu: Nếu có thể lựa chọn các phiên bản sản phẩm khác nhau để nhập khẩu, hãy ưu tiên các sản phẩm không hỗ trợ GSM, qua đó doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí đáng kể liên quan đến việc thử nghiệm, chứng nhận hợp quy cho công nghệ 2G theo QCVN 117:2023/BTTTT.